Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho rằng, chính những chiến binh cực đoan IS phải chịu trách nhiệm cho việc khiến hàng trăm ngàn người di cư rời bỏ quê hương để tị nạn ở Châu Âu, và việc mở rộng liên minh để chiến đấu chống lại tổ chức này là điều cần thiết.


Ngoại trưởng Úc Julie Bishop. Ảnh: Naharnet.

"Hơn 40% những người hiện đang xin tị nạn ở châu Âu đến từ Syria, và chúng ta cần một mặt trận thống nhất để đánh bại các tổ chức khủng bố đang mở rộng địa bàn khiến rất nhiều người phải di tản để trốn chạy khỏi cuộc chiến", Ngoại trưởng Bishop nói với các phóng viên ở Sydney. "Đã có khoảng 60 quốc gia hỗ trợ cho liên minh do Mỹ dẫn đầu bằng cách này hay cách khác. Nhưng vẫn có nhiều quốc gia có thể hỗ trợ thêm cho các cuộc không kích được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn chặn IS lấn chiếm thêm lãnh thổ thuộc chủ quyền của các chính phủ trong khu vực, và ngăn chặn IS gây ra quá nhiều vụ bạo lực dã man".

Trong một bài phỏng vấn trên tờ The Australian, được xuất bản ngày hôm nay (31/8), Ngoại trưởng Bishop thậm chí còn khẳng định rõ ràng hơn rằng, "các quốc gia tiếp giáp với Syria và Iraq, Lebanon, Jordan và những nước khác đang phải hứng chịu gánh nặng khi có hàng triệu người chạy trốn qua biên giới của họ và sau đó tiến vào châu Âu". "Đó là lý do tại sao tôi tin rằng người châu Âu phải tham gia vào các cuộc không kích của liên minh và các nỗ lực ở Syria và Iraq."

Hiện chỉ có một số ít các quốc gia châu Âu đang tiến hành các cuộc không kích chống lực lượng IS, trong đó có Pháp và Anh, như một phần của liên minh các cường quốc phương Tây và Arab. Úc có 6 chiến đấu cơ RAAF F/A18 và 2 máy bay hỗ trợ đặt tại các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, tham gia liên minh.

Trong khi Canberra đã thực hiện các cuộc không kích ở Iraq nhưng vẫn chưa nhắm mục tiêu vào Syria cho đến nay, với lý do quan ngại pháp lý, nhưng nước này mới đây cho biết đang cân nhắc yêu cầu từ phía Mỹ được đưa ra trong tháng này về việc mở rộng chiến dịch sang Syria.

"Một vài ước tính cho rằng có khoảng 30.000 trong số các tay súng thánh chiến đang ẩn mình trong các thị trấn và thành phố, gây khó khăn cho các cuộc không kích của liên minh khi phải tránh không tấn công vào dân thường, và vì vậy họ phải giới hạn những gì có thể làm được," bà Bishop nói. "Nhưng Daesh (IS) đã tràn qua cả biên giới Syria và Iraq, tuyên bố đóng chiếm khu vực này, không thuộc một trong hai chế độ Syria hay chính phủ Iraq. Và đó là lý do tại sao có yêu cầu từ phía Hoa Kỳ về việc Úc cần tham gia liên minh, thực hiện các cuộc không kích qua biên giới Syria-Iraq."

Trong một diễn biến liên quan, các Bộ trưởng Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp khẩn cấp vào ngày 14/9 tới tại Brussels về cuộc khủng hoảng di cư đang leo thang tại châu lục, Chính phủ Luxembourg hôm 30/8 cho biết.

Số người di cư đến biên giới của EU đã đạt gần 340.000 người trong 7 tháng đầu năm nay, tăng từ 123.500 người trong cùng kỳ năm 2014, theo số liệu của Cơ quan về kiểm soát biên giới của EU Frontex.

 

Tố Quyên (lược dịch từ AFP & Reuters)