Kiểm tra định kỳ cho trẻ

Trước khi triển khai đề án, giáo dục mầm non (GDMN) cả tỉnh gặp nhiều khó khăn: Mạng lưới phân tán nhỏ lẻ; tồn tại nhiều loại hình, phần lớn cán bộ, giáo viên (CB-GV) nằm ngoài biên chế nên không yên tâm công tác; một bộ phận năng lực sư phạm hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Những quyết sách đột phá
“Năm học 2015-2016, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác XHH để tăng cường các điều kiện, đảm bảo 100% trẻ em đến trường được học 2 buổi/ngày, học đủ 9 tháng theo chương trình GDMN, 100% trẻ 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số được chuẩn bị tốt tiếng Việt và chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ vào học lớp 1, phấn đấu đến năm 2016 có 35% trường MN đạt chuẩn Quốc gia”, TS Phạm Văn Hùng cho biết.
Cơ sở vật chất của hệ thống mầm non được đầu tư khá tập trung, hiện toàn tỉnh có 206 trường mầm non (188 trường công lập, 18 trường tư thục), thu hút 53.799 trẻ. Trong 5 năm (2010-2015), GDMN được đầu tư trên 2,2 tỷ đồng, xây mới 552 phòng, nâng cấp sửa chữa 53 phòng khác, trong đó có 393 phòng học mới và 559 bộ thiết bị cho lớp 5 tuổi. Để nâng chuẩn và đồng bộ hóa đội ngũ, ngành GD&ĐT còn tổ chức hàng loạt lớp tập huấn, bồi dưỡng.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đưa ra các chủ trương chuyển đổi loại hình trường MN từ bán công, dân lập sang công lập, ưu tiên tuyển dụng GV, thực hiện trả lương theo trình độ đào tạo và thâm niên công tác. Đây là giai đoạn GVMN được quan tâm với 2.756 người được tuyển dụng vào biên chế, thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ theo quy định; đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ. Riêng năm 2015, chi 1,541 tỷ đồng tổ chức tập huấn chương trình Dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ MN cho 100% CB, GV.
GV dạy lớp 5 tuổi liên tục được tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng; ứng dụng CNTT, các phần mềm; đổi mới chương trình, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục; phương pháp dạy lớp ghép; tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số; bồi dưỡng kiến thức phòng chống bệnh tật và vệ sinh an toàn thực phẩm; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ... Từ 2013 đến nay, đã tập huấn 4.370 lượt cán bộ và GV, trong đó có 1.129 GV dạy lớp 5 tuổi (100%). Hàng năm, các đơn vị đều tổ chức đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên dạy lớp 5 tuổi, đạt từ loại khá trở lên 83,24%.
Nhập cuộc tích cực
Sở Y tế phối hợp xây dựng chương trình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh, VSATTP, VS môi trường, đảm bảo tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm hàng năm theo chỉ tiêu đề ra. Sở Tài Chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cân đối và bố trí kinh phí để triển khai kế hoạch PCGDMN 5 tuổi. Sở Tài Nguyên - Môi trường phối hợp các huyện, thị xã, thành phố Huế rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất cho các trường.

Giáo dục các cháu nhận biết cây cỏ (trong vườn trường giờ học kỹ năng)

 
TS Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, tỉnh đã quan tâm và có những giải pháp phù hợp với đặc điểm vùng miền: chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát, kiểm tra, ra quyết sách thành lập trường tư ở vùng đông dân, sự phát triển của hệ thống này đã tạo điều kiện cho việc huy động trẻ MN ra lớp với tỷ lệ cao. Đối với vùng khó khăn, cuộc sống không ổn định, tỉnh chủ trương quy hoạch cụm dân cư, xây dựng trường tại các khu tái định cư; vận động nhân dân lên bờ và sống tập trung, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm đưa trẻ đến trường. Đối với vùng dân tộc thiểu số, tỉnh tập trung các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với nhiều chính sách, chủ trương vận động, tổ chức cho đồng bào sống định canh, định cư; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn bà con đưa trẻ đến trường.
Xã hội hóa giáo dục mầm non
Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, ủng hộ kinh phí xây trường, mua sắm trang thiết bị trong lớp, ngoài trời cho con em đến trường. Ông Nguyễn Hải (Vinh Hưng, Phú Lộc) hiến 450m2 đất; ông Nguyễn Hữu Độ (Phú Thượng, Phú Vang) ủng hộ xây 2 phòng học và mua sắm trang thiết bị cho lớp mẫu giáo 5 tuổi... Nguồn xã hội hóa từ phụ huynh giúp một số trường trang bị nhiều thiết bị có giá trị, như bể bơi (Trường Hoa Mai, Huế); bộ thiết bị đồ chơi trong lớp 5 tuổi và ngoài trời ở Trường MN I, (Huế).
Hội Khuyến học tỉnh vận động xây dựng được 3 trường MN ở địa bàn khó khăn của A Lưới và Hương Trà; Dự án Luxembourg đầu tư xây dựng nhiều phòng học, công trình vệ sinh ở Quảng Điền, Phú Lộc. Các hội, các tổ chức nước ngoài hỗ trợ xây dựng trường ở Phong Điền; Phú Vang... Các tổ chức tôn giáo cũng đầu tư xây dựng nhiều trường khang trang, thu hút trẻ ra lớp, như Trường Bích Trúc (Huế). UBMTTQVN tỉnh huy động xã hội hóa trên 80 tỷ đồng... 5 năm thực hiện PCGDMN 5 tuổi, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đã huy động tổng kinh phí để thực hiện mục tiêu phổ cập 5 tuổi trên 150 tỷ đồng. Đối với các xã miền núi và nông thôn, các điểm trường khó khăn, đã huy động được hàng ngàn ngày công từ phụ huynh và bộ đội, đoàn thể quần chúng...để cải tạo khuôn viên, xây dựng vườn rau của bé… góp phần nâng cao chất lượng thực hiện công tác PCGDMN 5 tuổi trên địa bàn...
Nhiều địa phương có mô hình bán trú phù hợp như Nam Đông, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo nên việc đóng góp khẩu phần ăn cho trẻ thấp dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Sau khi triển khai thực hiện đề án PCGDMN 5 tuổi, huyện đã chủ trương cấp gạo cho các trường MN, vận động dân góp chất đốt, hỗ trợ rau, củ, quả tại vườn nhà… Tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nguồn dự án về dinh dưỡng cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thực hiện công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Ở các huyện đồng bằng có nhiều điểm trường chưa có bếp ăn, các trường cũng tổ chức bán trú bằng cách đưa cơm từ cơ sở này đến cơ sở khác với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu được chăm sóc tốt. 
Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG