Sáng sớm 2/9 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dự và đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề "Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình thông qua ngân sách: vượt qua các định kiến; vai trò của Nghị viện trong giám sát ở cấp quốc gia và toàn cầu". 

Đồng chủ trì phiên thảo luận có Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và một số lãnh đạo các tổ chức quốc tế, và nghị viện một số quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng chủ trì phiên họp về phát triển bền vững

Các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp để xây dựng các chính sách nhằm biến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thành Mục tiêu quốc gia, cũng như sự tham gia của người dân vào quá trình này.

Các ý kiến cho rằng, cần quan tâm đến bảo vệ lợi ích công và theo đuổi sự thịnh vượng chung; tập trung xây dựng đồng thuận đối với các giải pháp thực tiễn. Đây chính là nguyên tắc để đảm bảo cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, là trách nhiệm chung của Nghị viện, cũng như của mỗi nghị sĩ theo tinh thần của Tuyên bố Hà Nội - văn kiện chung của Đại hội đồng IPU - 132 tại Việt Nam tháng 3/2015.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Việt Nam đã giải quyết thành công, hoàn tất việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Sau "Tuyên bố Hà Nội", Việt Nam đang từng bước tái cơ cấu toàn bộ ngành nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện cho người dân miền núi, dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đặc biệt, là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực giải quyết vấn đề này với mong muốn có sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ từ cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực giải quyết vấn đề bình đẳng giới, quan hệ giàu nghèo, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Để thực hiện những mục tiêu phát triển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: "Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc phân bổ ngân sách, nguồn lực. Việt Nam xác định lấy con người là nguồn lực trung tâm, lấy nội lực là trụ cột. Song song với đó, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, để giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm dân chủ và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Những quan điểm này của Việt Nam cũng tương đồng với những mục tiêu phát triển chung mà Liên Hợp Quốc đề ra”.   

Bài tham luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được nhiều đại biểu đánh giá cao và cho rằng, những kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện các mục tiêu mục tiêu phát triển bền vững, cũng như phát huy vai trò giám sát và ban hành luật của Quốc hội ở Việt Nam là bài học cho các nước thành viên Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới./.

Ngọc Thạch - Hồng Quân/VOV