Quang cảnh lễ thoái vị ngày 30/8/1945. Ảnh: Internet

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, tôi đem ra đọc lại những trang nhà vua viết về một sự kiện lớn như thế nào, và đến nay vẫn rất ít người biết. Sách thì đã thuộc dĩ vãng xa xôi, nhưng những tư tưởng, ý nghĩ của người viết còn đó. Chủ quan tôi viết bài này cũng chỉ nhằm cung cấp cho bạn đọc một số tư liệu khách quan và vô tư vì tôi nghĩ chúng ta đều công bằng nhận xét lịch sử dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Ngoài ra, tôi cũng có đọc thêm một số sách khác do các nhà khoa học lịch sử nước ngoài viết về Bảo Đại để bổ sung vào nội dung bài viết này cho phong phú. Tóm tắt các ý, đại khái Bảo Đại đã kể lại như sau:

Năm 1945. Tháng 3, mồng 9. Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Nam Triều do tôi (vua Bảo Đại - người viết) trị vì tuyên bố nước Việt Nam độc lập, nằm trong khối Đại Đông Á do Nhật lĩnh đạo, thành lập Nội các Trần Trọng Kim. Đứng đầu vẫn có một cố vấn Nhật tên là Yokoyama.

Nhân dân Huế được biết những tin như thế nhưng xem ra không mấy ai tin tưởng, cho nên thái độ ngại ngùng bao trùm lên trên chút vui mừng nhỏ nhoi. Tôi không lấy gì làm vui. Ngoài ra, tôi còn nhận được nhiều thông tin không vui chút nào. Ngài Nguyễn Văn Sâm mà tôi cử vào Sài Gòn làm đại diện cho Chính phủ mới bị ám sát sau khi mới rời Huế không lâu... Ở Hà Nội, sau khi nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh thì nhiều nhóm tự xưng là cách mạng xuất hiện khắp thành phố. Nhà tù Hỏa Lò bị buộc phải mở cửa để các “tù chính trị “ được thả. Lính gác của Nhật không phản ứng gì cả.

Ngày 17, một cuộc mít tinh rất lớn tập hợp hơn 20.000 người trước quảng trường Nhà hát lớn thành phố, tay cầm cờ đỏ. Trước mặt nhà hát, cờ vàng của Chính phủ Nam triều được hạ xuống và được thay thế bởi một lá cờ rất lớn, màu đỏ, ở giữa có một ngôi sao vàng. Tuy chưa chính thức, nhưng những người xuất hiện trên khán đài đã đề cập những từ ngữ về Độc lập, Dân chủ, Thống nhất Đất nước trước đám đông. Tiếng hoan hô vang dậy cả một vùng trời. “Việt Minh” thật giờ mới xuất hiện.

Ngày 18, ngài Phan Kế Toại, khâm sai đại thần của Nam triều tại Hà Nội tâu cho tôi biết xin từ nhiệm và xin được bàn giao cho những “nhà cầm quyền” mới, mà ngài cũng chưa được gặp mặt.

Ngày 19, tại Hà Nội, một Ủy ban Cách mạng lâm thời ra lệnh cho nhiều nhóm người có súng ống đi chiếm lĩnh tất cả các công sở dinh thự Nhà nước trước mắt lính Nhật đứng gác mà không gặp cản trở nào cả. Quân đội Nhật còn mở kho súng của lính “khố xanh” giao cho Việt Minh.

Ngày 22, ông Tạ Quang Bửu tâu tôi biết tin tức từ Sài Gòn. Tại đây, ngày 15, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng thành lập một Ủy ban lâm thời của miền Nam tại Nhà Chính phủ, đứng đầu là ông Trần Văn Giàu. Họ đều là của Việt Minh cả. Tại đây cũng vậy, quân đội Nhật không có một phản ứng nào.

Cũng trong ngày này, tôi có tiếp một viên quan chức cao cấp người Nhật xin bệ kiến và tâu báo cho tôi biết là quân đội Nhật đã dựng hàng rào cấm người ra vào các cổng thành nội và qua lại hai đầu cầu Trường Tiền. Họ còn cho tôi biết quân đội Nhật được lệnh bảo vệ toàn bộ Hoàng gia.

Trước những đề nghị đó, tôi thấy không thích hợp cho nên tôi cám ơn và từ chối ngay. Tôi còn tự tay viết cho viên chỉ huy một công văn yêu cầu phía Nhật dẹp các rào cản nói trên ngay lập tức. Công văn do tôi ký và đóng ấn triện. Các cổng thành phải được đóng mở như hằng ngày, Nhân dân tự do qua lại cầu Trường Tiền. Không có gì mà phải bảo vệ Hoàng gia.

Một sự kiện kỳ lạ làm tôi suy nghĩ. Một buổi nọ sau đó có người thanh niên mà Triều đình chọn để dạy Hoàng tử Bảo Long học xin yết kiến tôi và khuyên tôi nên rời Thành nội để về ở tại một lăng của một vị Tiên đế nào đó của tôi. Tôi suy nghĩ sự lo lắng của anh chàng nọ là thật lòng hay đây là một cái bẫy. Có trời mới biết! Tôi nhớ tới trong lịch sử Pháp có nhà Cách mạng Danton có nói một câu bất hủ: “Không ai có thể mang Tổ quốc mình đi theo dưới gót đôi giày”. Không! Tôi không bao giờ rời Kinh thành vì Tôi rất tin tưởng ở tấm lòng trung thành và khôn ngoan của dân tộc ta.

Tối hôm đó, ông giám đốc Bưu điện Huế xin bệ kiến. Mặc dầu đã khuya, do bức điện có ghi “Tối khẩn”, tôi đồng ý tiếp. Ông ta mang một bức điện tín dài có nhiều chữ ký gửi trực tiếp cho tôi và tâu rằng máy móc ở Bưu điện mới hoạt động trở lại và bức điện mới đến cách đây không lâu.

Những dòng trong bức điện đề nghị tôi trao quyền lại “trước nguyện vọng của toàn dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập quốc gia...”. Dù ai ký, đối với tôi đó là một nguyện vọng chân thành phù hợp với nguyện vọng của tôi được sống trong một đất nước độc lập và thống nhất.

Ngày 23. Sáng nay trong cung điện vắng tanh. Không có ai đến trừ Hoàng đệ Vĩnh Cẩn. Một vài anh lính hầu đi qua đi lại trước sân. Cách đây mấy tháng thôi, tại chỗ này đông nghịt bà con hoàng tộc, quan lại, khách khứa...

Tôi đọc lại bức điện đêm qua và tự hỏi những người đã ký tên trong bức điện là ai? Tôi sẽ trả lời cho ai? Tôi tin họ là những người đứng đắn, có tinh thần trách nhiệm. Họ phải có người lĩnh đạo, người ấy là ai? Không có ai trả lời cho tôi cả! Chỉ có hai anh em là tôi và Vĩnh Cẩn mà thôi. Cả đêm không sao nhắm mắt được, tìm, đoán mãi không ra. Ông Phạm Khắc Hòe là Ngự tiền văn phòng cũng không cung cấp được gì mới. Đêm đó, tôi với sự giúp đỡ của Vĩnh Cẩn, ngồi soạn bài trả lời là tôi sẵn sàng làm theo ý nguyện của đồng bào. Tôi sẽ nói rằng sau khi Pháp phải từ bỏ sự đô hộ đất nước Việt Nam thì tôi xuất hiện, nhưng nay Nhật thất bại, có Cách mạng thì tôi rút lui. Tôi sẽ làm theo nguyện vọng của Thần dân. Cái thư đó tôi sẽ gửi vào không trung, cũng như người ta viết thư rồi bỏ trong cái chai ném xuống biển vậy! Nghĩ thì thế, nhưng tôi lại nhờ Bưu điện Huế đánh cái điện như sau cho nơi đã gửi cho tôi trước đây.

“Đáp ứng lời kêu gọi của quý vị, tôi sẵn sàng từ bỏ Ngai vàng. Đứng trước giờ phút lịch sử hôm nay, sự đoàn kết là sống còn, sự chia rẽ sẽ mang lại diệt vong. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình đoàn kết quốc gia. Tôi đề nghị với lĩnh đạo quý vị cử người vào Huế gấp để tiếp nhận quyền lực do tôi giao lại”.

Tối hôm đó, tôi cùng với Vĩnh Cẩn cùng ngồi thảo “Dụ Thoái vị”.

Thân Trọng Ninh (Nhà giáo ưu tú)