Cụ thể là, một trẻ sơ sinh 10 tháng tuổi và một trẻ em 4 tuổi sống ở vùng Zakarpattya, phía tây nam của Ukraine, khu vực giáp với 4 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, được chẩn đoán dương tính với virus bại liệt, Bộ Y tế Ukraine cho hay.

Một trẻ em uống vắc xin phòng bại liệt - Ảnh: AFP

"Đây là trường hợp bại liệt đầu tiên tái xuất hiện ở châu Âu kể từ năm 2010", phát ngôn viên của WHO Oliver Rosenbauer nói với AFP. Trường hợp gần đây nhất của bệnh bại liệt được ghi nhận ở Ukraine vào năm 1996, ông Oliver nói thêm.

Theo WHO, hai trường hợp mới xuất hiện được cho là do một loại virus khác gây ra, chứ không phải là loại virus làm dịch bệnh bùng nổ vào năm 2010.
“Trường hợp mắc bệnh ở vùng Zakarpattya do virus bại liệt loại 1 gây ra, đây là loại virus có nguồn gốc từ vắc xin đang lưu hành (cVDPV). Chúng gây bệnh cho các cá thể không được tiêm chủng vắc xin đầy đủ, hoặc dễ bị tổn thương", phát ngôn viên của WHO Cristiana Salvi cho biết.
Trước đó, một loại virus bại liệt tương tự đã được phát hiện tại Ukraine vào năm ngoái, thứ trưởng Bộ Y tế nước này cho hay.
Bộ Y tế Ukraine thừa nhận rằng, các nước thuộc Liên Xô cũ đã phải vật lộn để có được vắc xin chủng ngừa chống lại virus bại liệt ở trẻ em từ năm 2008.
Tiêm chủng không đầy đủ khiến trẻ em ở Ukraine có nguy cơ bị nhiễm virus cao hơn so với các nước khác, chỉ một nửa trẻ em nước này được chủng ngừa đầy đủ để phòng bệnh bại liệt, cũng như các bệnh phòng ngừa bằng vắc xin khác vào năm ngoái, một thành viên của chiến dịch Sáng kiến ​​xóa bại liệt toàn cầu phát biểu.
Trong một tuyên bố hôm 1/9, WHO nhận định, "nguy cơ lây lan bệnh bại liệt từ Ukraine là thấp", song cũng lưu ý khu vực phát hiện virus có chung đường biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan.
Văn phòng WHO ở khu vực châu Âu cam kết sẽ giúp đỡ các nhà chức trách Ukraine ngăn chặn sự lây lan của virus, đồng thời cho biết, "WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đang triển khai việc cung cấp cho Bộ y tế Ukraine các hỗ trợ kỹ thuật và lập kế hoạch thực hiện tiêm chủng bổ sung các loại vắc xin ngừa bại liệt dạng uống (OPV) với quy mô lớn, nhằm nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của virus".
Cũng theo WHO, số lượng các ca bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 99% kể từ năm 1988. Chỉ có 416 ca được ghi nhận trong năm 2013, giảm từ 350.000 người nhiễm virus trong năm 1988.
Thanh Ngân (lược dịch từ AFP & Telegraph)