Tăng trưởng chậm và biến động thị trường ở Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ các rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 2/9 cảnh báo, khi đề cập đến sự kết hợp của các mối nguy hiểm tiềm năng như đồng tiền mất giá và sự bất ổn của giá cả hàng hóa tại thị trường mới nổi.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm G20 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 3-4/9 - Ảnh: Economictimes

Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, G20 khó có khả năng đưa ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào nhằm giải quyết hiệu ứng lan tỏa từ những bất ổn trong nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, hay thậm chí kêu gọi Bắc Kinh giải quyết vấn đề cơ cấu, điển hình là vấn đề nợ xấu tăng cao.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nhận định, một "cuộc tranh luận thẳng thắn" tại G20 sẽ mang lại lợi ích cụ thể về những gì đang xảy ra đối với nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có một cuộc thảo luận về vấn đề cơ cấu của nước này.

Các đại biểu tham gia không mong đợi một tuyên bố táo bạo về tiền tệ, khi các thông cáo chính thức có thể sẽ bao gồm một tham chiếu về sự cần thiết của việc tránh thao túng tiền tệ ở Trung Quốc.

Theo Tập đoàn ngân hàng Citigroup (Mỹ), "chúng tôi hy vọng các thông cáo sẽ nghiêng về sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái trong bối cảnh tự do hóa thị trường tài chính”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho hay, ông đã yêu cầu các nước thành viên G20 chuẩn bị chiến lược đầu tư nhằm đảm bảo tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, cân bằng và bền vững.

Ông Erdogan cho biết thêm, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là chìa khóa để đảm bảo cho sự tăng trưởng này và điều quan trọng là phải xem xét công cụ tài chính Hồi giáo như một phần của kế hoạch đó.

Thanh Ngân (lược dịch từ Reuters & Economictimes)