Đây là chuyến thăm đầu tiên của Quốc vương Salman đến Mỹ, kể từ khi lên kế vị ngôi vua vào tháng Giêng năm nay, và sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 7 vừa qua. Thỏa thuận khiến các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập dấy lên lo ngại rằng, việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với Iran sẽ cho phép nước này theo đuổi chính sách gây bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc vương Ả Rập Saudi Salman trong một cuộc họp song phương tại thủ đô Riyadh, Ả Rập Saudi - Ảnh: Reuters |
Quan hệ Mỹ-Ả Rập bắt đầu rơi vào căng thẳng sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi khu vực Iraq vào cuối năm 2011; tiếp đó, các lực lượng theo dòng Hồi giáo Shiite thân Iran tại Syria, Li-băng, Iraq và Yemen được tiếp sức mạnh mẽ và giành lợi thế trong cuộc tranh chấp với thế lực theo dòng Sunni tại các quốc gia nói trên.
"Cả hai quốc gia là đối tác chiến lược thân cận bất chấp sự khác biệt, và cả hai nước đều cần nhau", ông Anthony Cordesman, một nhà phân tích Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington nhận định. Tuy nhiên, ông Cordesma cho biết, chính quyền Obama "cần trấn an các đồng minh của mình và củng cố cam kết về các hợp tác, đặc biệt là mối quan tâm của Ả Rập Saudi về thỏa thuận hạt nhân Iran”.
Tháng 5 vừa qua, Tân vương Salman đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các nước Ả Rập do Tổng thống Barack Obama chủ trì, đây là một động thái được nhiều người đánh giá là “sự lạnh nhạt” của ông Salman với Tổng thống Obama, vì ông không hài lòng với việc Mỹ cải thiện quan hệ với Iran.
Ông Obama đã giành được thắng lợi chính trị quan trọng trong tuần này, khi hội đủ số phiếu cần thiết để vượt qua mọi phủ quyết về việc hỗ trợ thỏa thuận hạt nhân Iran, mà theo ông “thỏa thuận này sẽ cắt mọi con đường tới vũ khí hạt nhân của Iran”.
Những người chỉ trích cho rằng, thỏa thuận nói trên sẽ trao quyền lợi về kinh tế cho Iran, để giúp nước này tăng cường hỗ trợ các nhóm chiến binh trong khu vực.
Ả Rập Saudi và Iran đang đứng ở hai phía đối lập về một số vấn đề khu vực, đặc biệt là cuộc xung đột kéo dài 4,5 năm tại Syria và tình trạng bất ổn ở Yemen.
Bất chấp những căng thẳng, Mỹ và Ả Rập Saudi vẫn phụ thuộc lẫn nhau về an ninh, thương mại và các vấn đề kinh tế khác.
Ả Rập Saudi giữ vững vị trí là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, và cam kết cung cấp nguồn dầu bất chấp sự sụt giảm giá gần đây, đóng góp cho việc duy trì sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama và Quốc vương Salman cũng sẽ thảo luận về thị trường năng lượng toàn cầu trong chuyến thăm này.
Được biết, chính quyền của ông Obama đang tập trung vào việc hỗ trợ các quốc gia vùng Vịnh, liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng như tăng cường an ninh mạng và an ninh hàng hải.
Các quốc gia vùng Vịnh đang đàm phán cấp cao với chính phủ Mỹ về việc mua hai tàu khu trục nhỏ của Tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ Lockheed Martin Corp, thỏa thuận trị giá hơn 1 tỷ USD.