Hiện tượng biến ngữ từ “sầu đông” (đông về cây rụng lá trơ cành) sang “sầu đâu” rồi thành “thầu đâu” đã tạo ra một phương ngữ độc đáo mang đậm bản sắc xứ Huế đâu ngờ trở thành hay, vì tránh được sự nhẫm lẫn với cây sầu đâu ở Nam bộ (còn được gọi là xoan Ấn, xoan chịu hạn, tiếng Anh là neem). Ngoài ra, cây thầu đâu còn được gọi là xoan ta (phân biệt với xoan Ấn), xoan nhà (phân biệt với xoan rừng), luyện, khổ luyện (theo tiếng Hán).

 

Từ sự đa dạng âm ngữ đó, đôi khi do không rạch ròi về tên gọi cũng xảy ra chuyện chẳng hay. Trước đây trên báo Tuổi trẻ có đăng bài “Sầu đâu mang lại tin vui”. Sầu đâu ở đây là sầu đâu Nam bộ. Người Nam bộ thường lấy lá non để làm gỏi ăn không độc, trong lúc cây thầu đâu (xoan) lại có nhiều độc tính, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể và xưa nay cũng ít được dân gian dùng lá để ăn hay trị bệnh, có chăng chỉ là dùng vỏ thân và quả để tẩy giun đũa, giun kim, giun móc. Nhưng dùng quá liều cũng ngộ độc có thể thương vong. Thế mà, một số người ở Huế sau khi đọc bài đã đi hái lá sầu đâu về hãm nước uống để trị bệnh. Trước mắt thì không thấy ngộ độc, nhưng về lâu về dài nguy cơ gì ập đến thì làm sao lường được?

Thầu đâu là một cây gỗ nhỏ rụng lá theo mùa. Cây thường cao 7-20m, cá biệt có nơi (Bắc Australia) cây cao hơn 40m. Cây mang lá kép lông chim, hai đến ba lần lẻ, bìa lá chét có răng cưa; lá non màu xanh nhạt. Hoa nhỏ, màu trắng tim tím, mọc thành chùm tụ tán to, nở rộ vào độ giữa mùa xuân. Nhiều cây sung sức, đến mùa phát dục, hoa nở rộ, nhìn từ xa hầu như không còn nhận ra màu lá. Quả hình xoan 1 x 1,5cm, có vỏ màu xanh khi non, vàng dần rồi nhăn nheo và khô héo khi chín, treo lơ lửng nhiều ngày trên cành, khi rơi rụng hoặc được chim chóc phát tán thì tái sinh thành cây con dễ dàng.
Cây thầu đâu có nguồn gốc ở châu Á, nhưng phân bố rộng rãi hầu khắp năm châu, với nhiều tên gọi tiếng Anh khác nhau như, Persian lilac, Paradise tree, Pride of India, White cedar… Nó là một loài thuộc họ Xoan – Meliaceae, với tên khoa học hiện hành là Melia azedarach và các tên đồng nghĩa là M. sempervirens, M. australis, M. japonica.
Do có hoa đẹp nên thường được chọn trồng làm cây bóng mát tạo cảnh ở nhiều nơi. Ở những vùng nông thôn từ đồng bằng lên miền núi, ngoài mọc hoang, thầu đâu còn được trồng trong các vườn nhà, các điểm công cộng và cả đường đi lối lại trong thôn xóm, ven sông, ven đồng ruộng… Ở các thành phố lớn, thầu đâu không được chọn làm cây đô thị, nhưng nhiều trường hợp do sự phát tán tự nhiên, cây đã tồn tại trên đường phố công viên như một hợp phần của hệ thống cây xanh.
Ngoài tác dụng tạo bóng, thầu đâu là cây cho gỗ khá tốt. Gỗ mềm nên dễ gia công, ngâm nước trước khi gia công thì chịu được mối mọt, ít cong vênh, Ngày trước, thầu đâu chỉ được sử dụng làm đồ gia dụng thông thường. Ngày nay, gỗ thầu đâu đã bắt đầu trở thành một nguồn nguyên liệu phổ biến trong việc xây dựng, sản xuất hàng gia dụng, ốp lát, đóng thùng chứa hàng… Nhiều nơi ở Việt Nam người dân trồng thầu đâu để lấy gỗ, để làm choái tiêu (Đồng Nai). Ở nhiều tỉnh miền Trung, chẳng hạn như ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nhiều diện tích lâm nghiệp được người dân chuyển đổi từ rừng keo thành rừng thầu đâu.
 
Ở thành phố Huế, mặc dù thầu đâu không được cơ cấu vào hệ thống cây xanh, nhưng rải rác trên các vỉa hè, ven sông, công viên vẫn có nhiều cây thầu đâu mọc tự nhiên, sinh trưởng, phát triển rất tốt, thậm chí nó trở thành cây chủ lực của một vài đường phố như đường Ngô Thời Nhậm, phường Thuận Hòa chẳng hạn.
 
Đỗ Xuân Cẩm