Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh Nguyễn Thị Châu:

 

Theo quan điểm của cá nhân, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất “Thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế”.  Bởi vì, Điều 165 BLHS hiện hành quy định một tội danh rất chung chung, có phạm vi rộng, nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng. Chủ thể tội phạm rất rộng, khách thể chung chung “Điều này tạo ra một tiền lệ xấu là cơ quan áp dụng pháp luật, nhất là Tòa án có thể đã quá linh động, sáng tạo dẫn đến vi phạm quyền con người của người bị nghi là tội phạm, thậm chí làm oan cho họ. Bên cạnh đó, vì là điều luật có phạm vi điều chỉnh rộng nên nó có thể được suy diễn một cách tùy tiện theo hướng bất lợi, làm phương hại cho bị can, bị cáo – trái với nguyên tắc suy đoán vô tội đã và đang được cả thế giới văn minh áp dụng.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) không đặt vấn đề bãi bỏ tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ cụ thể hóa hành vi phạm tội này thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng BLHS để xử lý tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở cụ thể hóa các hành vi quy định tại 34 tội danh trong chương XVI BLHS hiện hành, Dự thảo BLHS đã cập nhật, bổ sung thêm một số loại tội phạm mới mang tính chất “cố ý làm trái” trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Theo đó, dự thảo BLHS đã quy định 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực:

1- Sản xuất, kinh doanh, thương mại;

2- Thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm;  

3- Lĩnh vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, BLHS (sửa đổi) cũng quy định một số điều khoản mang tính chất “cố ý làm trái” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong chương các tội phạm về chức vụ cũng đã quy định một số tội danh liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ...

Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nhất là kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, vai trò quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế là rất quan trọng. Nhà nước đặt ra hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát sự vận hành của các hoạt động kinh tế. Do vậy, khi bỏ tội “cố ý làm trái...” thì cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các loại hành vi trong từng lĩnh vực cụ thể để quy định thành các tội danh tương ứng, nhằm bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và không để lọt tội phạm.

Anh Phong (thực hiện)