Nay, dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và quy định một số tội danh cụ thể mà khi pháp nhân vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội đó. Quy định này là cần thiết, vì thực tiễn hành vi của pháp nhân diễn ra trong thời gian qua hết sức phức tạp, gây hậu quả khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội… Cụ thể như các hành vi: chất thải công nghiệp không được xử lý triệt để, doanh nghiệp thải ra gây ô nhiễm môi trường; hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, buôn lậu, trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động…

Hành vi, hậu quả thiệt hại do pháp nhân gây ra, theo pháp luật hiện hành quy định chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường về dân sự… Loại chế tài này nói chung là nhẹ. Việc khởi kiện yêu cầu bồi thường, việc chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra theo thủ tục tố tụng của pháp luật dân sự thường bị kéo dài, gây khó khăn cho chủ thể khởi kiện… Nay, dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, tức là khi pháp nhân vi phạm thì việc chứng minh tội phạm, chứng minh mức độ thiệt hại gây ra do cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh. Và khi bị truy tố trước pháp luật, thì pháp nhân phải chịu chế tài xử phạt theo pháp luật hình sự. Chế tài này sẽ nghiêm khắc hơn, triệt để hơn so với chế tài xử lý vi phạm hành chính dân sự, nhằm ngăn chặn loại tội phạm này.
Như vậy, việc bổ sung đưa trách nhiệm hình sự của pháp nhân do các loại tội phạm mà pháp nhân gây ra vào BLHS (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại.
Nhưng, quy định như dự thảo, chưa làm nổi bật “Chủ thể” của loại tội phạm này, bởi vì “Tên pháp nhân” không làm nên chủ thể của tội phạm, mà tội phạm là do hành vi cụ thể của con người gây ra. Con người hoạt động với danh nghĩa của pháp nhân gây ra tội phạm theo quy định của BLHS, thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, còn pháp nhân trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm dân sự về việc bồi thường do người đại diện và người của pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội gây ra… Do đó, tội phạm do người đại diện của pháp nhân gây ra gắn liền với tên pháp nhân đó và họ phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Vì vậy, cần bổ sung ở khoản 3 Điều 3 về “Nguyên tắc xử lý” đối với pháp nhân, theo hướng: “Cá nhân của pháp nhân và pháp nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”.
Bổ sung ở Điều 33: Các hình phạt đối với pháp nhân (khoản 2 hình phạt bổ sung) là “Cấm chuyển giao tiền, chuyển dịch tài sản dưới mọi hình thức”.
Bổ sung Điều 46: Các biện pháp tư pháp (khoản 2 đối với pháp nhân) là “Cấm chuyển giao tiền, chuyển dịch tài sản dưới mọi hình thức”.
Quy định bổ sung này nhằm bảo đảm cho việc thi hành bản án đối với pháp nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng pháp nhân lại cố tình chuyển tiền qua tài khoản ở ngân hàng ra nước ngoài hoặc chuyển doanh thu bù lỗ cho chi nhánh khác thuộc pháp nhân hoặc chuyển nhượng tài sản nhằm trốn tránh, chây ỳ trong việc thi hành bản án; quy định đó cũng là hình thức “cấm vận” để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi cần thiết.
Luật gia Hoàng Minh Tâm (Nguyên cán bộ ngành tòa án)