Ông Lưu Văn Đồng rơi vào cảnh lao đao vì sản lượng mật quá thấp, lại rớt giá

“Với những khó khăn như hiện nay, không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hội Nuôi ong tỉnh tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi giống nuôi và ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến; phối hợp với Công ty ong Phương Nam cung ứng nguồn giống ong Ý cho người dân sản xuất, thay thế giống nội nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mật đảm bảo sức cạnh tranh. Giống ong Ý đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép nuôi trên địa bàn cả nước từ nhiều năm nay”, ông Hoàng Hữu Hè, Chủ tịch Hội Nuôi ong tỉnh cho biết.

Nhiều vùng đồi trên địa bàn tỉnh có điều kiện tự nhiên, thời tiết thích hợp cho việc nuôi ong lấy mật. Tận dụng lợi thế đó, nhiều hộ phát triển nghề nuôi ong đã thoát được nghèo, có cơ hội vươn lên làm giàu. Không chỉ các hộ trên địa bàn tỉnh mà cả người dân ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương… cũng đến các vùng đồi ở Thừa Thiên Huế thuê đất nuôi ong mang lại nguồn thu nhập cao. Đến nay, toàn tỉnh có đến hàng chục ngàn đàn ong nuôi, tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Đông, Phú Lộc, TX Hương Thủy, TX Hương Trà… Các ngành chức năng cho rằng, nuôi ong còn tạo sự cân bằng sinh thái môi trường, thụ phấn cho cây trồng làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông lâm sản.

Trong khi cơ hội làm giàu đang mở ra thì người dân lâm vào cảnh lao đao vì mùa mật ong năm nay vừa mất mùa, vừa mất giá. Ông Huỳnh Văn Danh ở phường Thủy Xuân (TP Huế) đến thuê mặt bằng nuôi ong ở thôn 8, xã Thủy Phù (TX Hương Thủy) đã nhiều năm nay. Mấy năm trước, ong nuôi liên tục được mùa, được giá nên lãi khá cao. Mỗi năm ông Danh đầu tư khoảng 80 triệu đồng, nuôi 250 thùng (đàn ong) lãi bình quân 60 triệu đồng. Riêng mùa mật ong năm nay, hộ ông Danh gần như mất trắng. “Nhiều ngày qua, tôi và nhiều hộ nuôi ong ở Thủy Phù đứng ngồi không yên. Sản lượng mật chỉ thu được chừng 20% so với các năm trước. Giá mật trước đây khoảng 65 ngàn đồng/lít, nhưng năm nay chỉ còn 30 ngàn đồng”, ông Danh lo lắng.
Ông Lưu Văn Đồng ở tỉnh Gia Lai đến xã Thủy Phù (TX Hương Thủy) thuê mặt bằng (mỗi năm 2 triệu đồng) để nuôi ong với khát vọng làm giàu. Vụ đầu nuôi 300 thùng với kinh phí đầu tư trên dưới 100 triệu đồng, sản lượng khoảng 8 tấn, lãi 80 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ này sản lượng mật thu được chỉ khoảng 2 tấn, giá lại giảm nên ước thua lỗ khoảng 40 triệu đồng. Về nguyên nhân mất mùa, ông Đồng nói: “Do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, đàn ong bị các loại bệnh thối ấu trùng, chí… nên hạn chế khả năng tạo mật. Còn giá mật giảm, thì nghe các lái buôn nói gần đây sản phẩm không xuất khẩu được”.
Tại huyện miền núi Nam Đông, nghề nuôi ong mật phát triển khoảng 3 năm nay. Đến nay, toàn huyện có 24 hộ nuôi với 2.400 thùng, có hộ nuôi mỗi năm từ 120 đến 270 thùng. Với các hộ nuôi số lượng lớn, mỗi năm lãi ròng từ 50 triệu đến 100 triệu đồng, như hộ Phạm Tấn Son, Hoàng Trọng Nam, Bùi Quang Tý… Riêng mùa mật ong năm nay, hầu hết các hộ nuôi đều thua lỗ vì sản lượng mật giảm, chỉ còn khoảng 50% so với năm 2014; giá mật cũng chỉ còn khoảng 30 ngàn đồng/lít. Ông Bùi Quang Tý, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đông không giấu nỗi sự lo lắng trước thực trạng nghề nuôi ong đang gặp khó. Một số hộ nản chí, không còn mặn mà với nghề nuôi ong mật vì sản lượng quá thấp, lại không bán được. Mấy năm trước, hộ ông Tý nuôi đến 270 đàn, riêng năm nay giảm chỉ còn 50 đàn.
Ông Bùi Quang Tý cho biết, Hội Nông dân huyện khuyến cáo, vận động người dân duy trì nghề nuôi ong mật; đưa giống ong Ý vào thay thế giống ong nội nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong điều kiện thời tiết phức tạp, thị trường tiêu thụ đang gặp khó, người dân nên hạn chế số lượng đàn, song đảm bảo sản lượng mật để tiêu thụ nội địa. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, ban ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo sức cạnh tranh; các cấp lãnh đạo địa phương, Hội Nuôi ong tỉnh quan tâm hỗ trợ, khảo sát, tìm hiểu thị trường ngoại tỉnh và các nước có tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Hoàng Triều