Từ những vườn ngự trong cung vua triều Nguyễn (Đại Nội) đến những con đường nội bộ của Thành Nội ngày xưa, nơi được xem là quần thể vườn hoàng gia, cây nhãn nghiễm nhiên chen chân vào hệ thống cây bóng mát đô thị. Đường phố Đinh Tiên Hoàng ngày xưa được trồng toàn nhãn. Sau này, qua bao thời gian chịu sự tác động triền miên của bão, lụt và tuổi già, dần dần nhiều cây nhãn cổ thụ đã nằm xuống để nhường đất cho nhiều loài cây xanh khác đứng lên. Và giờ đây, con đường truyền thống đó không còn trùm “chiếc áo nhãn” như trước đây nữa, còn chăng chỉ lổ đổ năm bảy cây. Có lẽ do nhãn có ưu thế tạo bóng rợp tốt, thân cây vững chắc nên trên nhiều đường phố khác và một số công viên vẫn thấp thoáng hình bóng cây nhãn, cho dù trường phái bảo vệ môi trường đô thị hiện đại luôn cho rằng, không nên cơ cấu cây ăn quả vào hệ thống cây bóng mát ở các vỉa hè đường phố, trong đó có nhãn, vì quả chín mọng của chúng khi ở trên cây thì hấp dẫn ruồi nhặng và cả trẻ con, khi rơi rụng thì gây ô nhiễm môi trường.


Nhãn Huế khác nhãn ở nhiều tỉnh thành Nam bộ, do nó có cùi dày, giòn và thơm, không nhiều nước, tương đương với loại nhãn tiêu. Món chè nhãn lồng bọc hạt sen truyền thống độc đáo của Huế là một thức ăn đặc sản mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực Huế, đã thấm đậm lòng người phương xa. Tuy chất lượng quả có khác nhau thế, nhưng các giống nhãn phổ biến ở Việt Nam, kể cả nhãn Huế đều cùng một loài, có tên khoa học là Dimocarpus longan (Euphoria longan), thuộc họ Bồ hòn - Sapindaceae. Từ “longan” trong tên khoa học là từ Latin hóa âm Hán “long yan 龍眼 ” (mắt rồng). Cũng từ âm “long yan” này mà người dân Việt ở nhiều tỉnh miền Bắc gọi là long nhãn.

Nhãn là một loài cây gỗ thường xanh, cao trung bình 5-10 m, vỏ thân nứt cạn, dày, màu nâu sậm, phân cành sớm, tán rộng, dày. Cành non có lông. Lá kép lông chim 1 lần, mọc cách, thường gồm 4 đôi lá chét dạng bầu dục thuôn, mặt trên phiến nhẵn, màu xanh đậm, mặt dưới có màu xanh nhạt hơi mốc mốc. Hoa mọc thành hoa tự tụ tán ở nách lá hay đầu cành, mang nhiều hoa nhỏ, màu trắng sữa. Quả hạch, hình cầu, vỏ vàng nâu nhạt, sần sùi khi non, trơn nhẵn khi chín, cùi (áo hạt) màu trắng trong, mọng nước, không dính vào hạt, càng dày và rất ngọt khi được lồng một thời gian trước khi chín.

Nhãn có nguồn gốc từ Ấn Độ, được trồng phổ biến ở nhiều nước châu Á. Ở Việt Nam, cây được trồng rộng rãi khắp nơi từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng ven biển lên đến vùng trung du, miền núi.

Ngoài tác dụng cho quả làm thực phẩm, nhãn là loài cho gỗ tốt được dùng làm đồ gia dụng, mộc mỹ nghệ và gỗ xây dựng. Ở Huế, nhiều gia đình thường dùng phần gỗ thân nhãn để làm thớt, sử dụng cho việc bếp núc hằng ngày. Ngoài ra, nhãn còn là một nguồn dược liệu tốt thường được sử dụng trong y học truyền thống dân tộc. Theo Võ Văn Chi (1997), cùi nhãn dùng chữa trị thần kinh suy nhược và các chứng do thần kinh hoạt động yếu kém, chữa tỳ yếu, gan kém, huyết hư, rong kinh, ốm yếu sau bệnh; lá nhãn dùng ngừa sởi, trị cảm lạnh, sốt rét, viêm ruột; rễ dùng chữa dưỡng trấp niệu, bạch đới, thống phong; hạt dùng chữa đau dạ dày, thoát vị, mụn nhọt và bỏng; vỏ cây và vỏ quả dùng chữa bỏng, sâu răng.

Có thể nhân giống nhãn bằng gieo hạt hoặc chiết cành (cùi). Cây mọc từ hạt dễ bị biến đổi tính trạng do tạp giao, cây từ cành chiết giữ được tính mẹ nên khi đã chọn được cây mẹ năng suất cao, quả ngon thì người ta chọn cách nhân giống bằng cành là tốt nhất. Ngoài chiết cành, chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật giâm cành để có được số lượng cây con lớn.

Đỗ Xuân Cẩm