Trên 500 hiện vật ra mắt công chúng Huế lần này là món quà vô giá của 22 nhà sưu tập cổ vật nhân Festival nghề truyền thống Huế 2011. Một cách thật lòng, nhà sưu tầm Lê Hội, Trưởng ban Vận động thành lập Hội Nghiên cứu, Sưu tầm cổ vật Huế tiết lộ: “Đây là triển lãm qui mô nhất của giới sưu tầm cổ vật Huế từ trước đến nay, với ý nghĩa như là một cuộc ra mắt, chuẩn bị cho việc thành lập Hội cổ vật Huế đang trong thời kỳ vận động…”. Một triển lãm mà theo ông Cao Huy Hùng, Giám Đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (đơn vị phối hợp tổ chức) là có tiền tỷ chưa chắc làm được, nếu thiếu đi sự cởi mở, tấm lòng và bầu nhiệt huyết…


Thưởng lãm lư đồng chế tác năm 1852 theo kỹ thuật đúc liền

Với tấm lòng ấy, người xem có dịp tiếp cận không ít hiện vật giá trị được cất công tìm kiếm, gìn giữ như bức tranh gương tuyệt bích thời Tự Đức; bộ tranh thủy mặc “Bát tiên quá hải” (năm 1926) trên chất liệu toan và sơn dầu; chiếc bàn gỗ niên đại “Duy Tân cửu niên” chạm long, lân, qui, phụng; hàng chục bộ liễn sơn son thếp vàng, cẩn xà cừ, chuyên dùng trang trí tại các phủ đệ và các gia đình thượng lưu triều Nguyễn.
Quí hiếm không kém là những bức tranh thêu nghi, trướng cỡ lớn với mô típ bát tiên, phước lộc thọ… mà qua thời gian, không còn nhiều ở Huế, bên cạnh bộ sưu tập đồ sứ men lam Huế quí hiếm có niên đại từ thế kỷ 17-18.
 

Từ trái qua:  Tuyệt tác tranh thêu triều Nguyễn; Tiềm sứ men lam thế kỷ 17; Bộ trà Mai Hạc cực hiếm đề thơ Nguyễn Du;Mâm đồng chế tác từ thế kỷ 19 tại lò đúc ở Huế
 ;  
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Tuyên Minh: Người Huế xưa đặc biệt tinh tế trong cách chế tác và bài trí đồ vật. Ở nơi tôn nghiêm thờ tự, tuyệt nhiên không bày trí sập hay phản để tránh tư thế nằm, ngồi. Các bộ tràng kỷ cũng khác lạ như bàn không có tầng giữa, tránh người ngồi kê chân. Ghế thì lưng tựa và tay vịn phải cao, thể hiện tư thế nghiêm trang, chuẩn mực của người ngự tọa. Đặc biệt, các vật dụng xưa rất tinh xảo, mềm mại, thể hiện sự khéo léo, tinh tế, tao nhã trong cốt cách, tâm hồn của người Huế.
Ngoài hiện vật của các nhà sưu tập Huế, triển lãm xuất hiện bộ sưu tập giá trị của linh mục Nguyễn Hữu Triết (TP Hồ Chí Minh), trong đó có lư đồng chạm nổi lân, long, qui, phụng, được chế tác năm 1852 tại lò đúc ở Huế bằng kỹ thuật đúc liền nay đã thất truyền. Hay bộ đồ trà Mai Hạc cực hiếm, đề hai câu thơ chữ Nôm tương truyền của đại thi hào Nguyễn Du: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen”…
Trong không gian cổ kính lung linh ánh nến ở Di Luân Đường, lần đầu tiên, một cuộc trưng bày cổ vật qui mô theo lối sắp đặt đã tái hiện một cách gợi cảm không gian sống tinh tế của Huế xưa qua nghệ thuật bài trí cổ đồ. Ở đó, như thấp thoáng không gian thưởng trà, thú đèn sách, thơ phú, xem hoa, thưởng nguyệt…một thưở của người xưa, đã góp phần làm nên phong vị sống của vùng đất đế đô văn vật….
Ở góc độ khác, người xem không khỏi ngỡ ngàng trước vỉa tầng văn hóa cổ vật quá lớn ở Huế, đang hiện hữu trong gia tài của giới sưu tập mà triển lãm lần này chỉ mới là bước khởi đầu, nếu biết khơi nguồn và nối kết…
 
Kim Oanh