Nước mắm sau khi chế biến được đăng ký chất lượng và dán nhãn mác rõ ràng

Chúng tôi đến Cơ sở sản xuất nước mắm Hồ Thị Giang ở xã Quảng Công (Quảng Điền). Gần 100 lu sành đựng cá đang chín đỏ, trên miệng lu là những lớp nước mắm trong vắt đậm màu, phảng phức mùi thơm. Bà Giang cho biết: Muốn sản xuất ra loại nước mắm ngon và lâu hỏng, cá sau khi thu mua từ các hộ vừa đánh bắt về, đem rửa sạch và để ráo, sau đó trộn với muối sống và cho vào lu. Một năm sau mới chưng cất nước mắm, đưa ra lọc và đóng chai nguyên chất. Nếu làm đúng quy trình này, không chỉ có hạn sử dụng một vài tháng mà nước mắm có thể để từ 1-2 năm vẫn không hỏng, mùi thơm đậm đà và ngon hơn.

Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sau khi các đề án khuyến công hỗ trợ thiết bị máy móc cho các cơ sở sản xuất thủy hải sản trên địa bàn phát huy tác dụng, trong năm 2015 Sở tiếp tục phê duyệt các đề án hỗ trợ cho một số cơ sở về đầu tư thiết bị, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và tấp huấn kỹ năng bán hàng phục vụ khách du lịch nhằm khôi phục và phát triển nghề.
Bắt đầu sản xuất các loại thủy hải sản từ năm 2003, từ một cơ sở làm thủ công quy mô nhỏ, đến nay thương hiệu nước mắm Hồ Thị Giang nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, với doanh số bán hàng mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng, trong đó tiêu thụ trên 10 ngàn lít nước mắm, 10 tấn ruốc, 3 tấn mắm thính và nhiều đặc sản khác, giải quyết việc làm cho cả chục lao động khi vào vụ cá. “Làm nghề theo đuôi con cá. Hễ đến tháng 4, tháng 5 khi đang vào mùa cá nục, phải đặt hàng từ các thuyền đánh bắt và dự trữ từ 7-10 tấn cá tươi. Đến tháng 7, tháng 8 khi cá cơm đánh bắt nhiều, cơ sở thu mua khoảng 10 tấn và ướp muối để chế biến nước mắm, mắm nêm và mắm thính. Nghề này cực nhưng mỗi lần sản phẩm làm ra đạt chất lượng thấy rất vui. Mỗi lần khách hàng điện thoại đặt hàng nhiều, chứng tỏ sản phẩm của mình được nhiều người khen ngon và đây thực sự là động lực để tiếp tục tìm tòi và tạo ra nhiều sản phẩm mới”, bà Giang chia sẻ.
Sau nhiều năm sản xuất thủ công tốn nhiều công sức nhưng năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, năm 2014 được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, cơ sở đầu tư 100 triệu đồng trang bị 3 chiếc máy phục vụ sản xuất. Đó là máy xay ruốc tươi, máy xay ruốc bột và máy ép ruốc, trong đó vốn khuyến công hỗ trợ 30 triệu đồng. Sau khi các thiết bị được lắp đặt, không chỉ cơ sở Hồ Thị Giang mà gần 70 hộ sản xuất thủy hải sản trên địa bàn xã đều đến đây xay, thay vì phải giã thủ công mất nhiều thời gian.
Bà Hồ Thị Giang cho biết thêm: “Trước đây giã bằng tay thì một tiếng chỉ giã được 50 kg nhưng bột không mịn, không đều; sau khi đưa vào máy xay thì một tiếng có thể xay được 5-7 tạ, năng suất tăng gấp 10 lần và chất lượng cao hơn nhiều so với làm thủ công. Hiện, 3 chiếc máy này đang chạy hết công suất để xay xát cho bà con hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn, giúp các hộ sản xuất nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của khách.”
Hiện, các sản phẩm do cơ sở làm ra không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà vươn xa đến các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nội và đang xúc tiến thủ tục để đưa hàng vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh hai đặc sản là nước mắm và ruốc, cơ sở chuẩn bị xây dựng nhà xưởng, nhà trưng bày sản phẩm và sản xuất thêm một số đặc sản vùng đầm phá như cá khô, mực khô và một số loại mắm Huế nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch. 
Bài, ảnh: Thanh Hương