Chị em vẫn mải mê với tranh thêu chữ thập mà không quan tâm đến những ảnh hưởng sức khỏe

Nguy cơ nhiễm độc

“Tranh thêu chữ thập có gì đó rất “dễ dãi”, khô cứng và công nghiệp. Vô hình chung, chính tranh thêu chữ thập giết chết cái đẹp và sáng tạo trong tranh, công nghiệp hóa một ngành nghề được xem là thủ công”, Trần Thị Như Ý, Giám đốc Công ty cổ phần Tranh thêu tay Huế.
Chỉ với vài chục ngàn đồng có thể mua một bức tranh chữ thập về thêu nên không chỉ chị em mà rất nhiều sinh viên, học sinh mê thêu tranh chữ thập. Chị Chi (ở đường Trần Cao Vân) cho biết: Khi thêu bức đầu tiên chị như bị “thôi miên”, càng thêu càng thích nên chị thêu ngày thêu đêm, cứ có thời gian rảnh là tranh thủ thêu tranh. Nhưng khi mua bức thứ hai về thêu chị mới để ý là chỉ thường ra màu dính vào tay, mút chỉ (để xâu kim) nhiều thỉnh thoảng bị nhức đầu. Tìm hiểu được biết, tranh thêu chữ thập không được kiểm định chất lượng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên chị không thêu nữa. Còn Huyền Mơ (sinh viên Trường đại học Luật Huế) chia sẻ, em và một số bạn trong dãy trọ thường nhận thêu tranh cho các tiệm để kiếm thêm thu nhập. Tranh chữ thập thêu rất đơn giản, chỉ cần được chỉ vẽ một lần là có thể thêu được.
Một chủ tiệm tranh ở đường Bà Triệu cho biết, tất cả tranh chữ thập mà cửa hàng đang bày bán đều được nhập từ Trung Quốc. Khi được hỏi về chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của chỉ màu và vải thêu tranh, chị không ngần ngại cho hay: “Mấy năm trở lại đây tranh thêu chữ thập du nhập vào Việt Nam và tạo nên một “cơn sốt”. Nắm bắt thị hiếu của khách hàng nên chị mở tiệm lấy tranh về bán chứ không hề có bất cứ một cơ quan nào quản lý hay kiểm định về tiêu chuẩn chất lượng”. Không riêng gì tiệm tranh ở đường Bà Triệu mà hầu hết tranh thêu chữ thập được bán trên thị trường TP Huế đều không có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và không rõ xuất xứ.
Hiện, trên thị trường có rất nhiều loại chỉ thêu với hơn 400 màu sắc khác nhau, bán với giá từ 1.000 – 4.000 đồng/tép, nhưng không có nguồn gốc sản xuất. Chỉ thêu thuộc nhóm vật liệu dệt phải qua kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Công thương vì có khả năng chứa phẩm màu azo (chất thuộc danh mục cấm) và formandehyt (chất có nguy cơ gây dị ứng, ung thư nếu tiếp xúc nhiều). Còn mẫu vải tranh chữ thập được làm cứng hơn so với vải bình thường bằng hóa chất. Các hóa chất này rất độc hại đối với người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp.
 Theo các chuyên gia, thuốc nhuộm màu azo và formandehyt thường có trong vải thêu, chỉ thêu được xem là chất có nguy cơ gây ung thư, dị ứng cho người sử dụng. Khi sử dụng, các phẩm nhuộm azo sẽ dần dần phân giải cho ra các aromatic amine và dễ dàng thâm nhập vào cơ thể khi tiếp xúc với da. Các chuyên gia cũng khuyến cáo có rất nhiều hóa chất nhuộm độc hại vẫn đang được sử dụng. Chất liệu vải thêu, mỗi bức tranh có thể có tới 50 màu chỉ khác nhau, vì thế chưa xác định được sản phẩm có an toàn hay không. Cách tốt nhất là người tiêu dùng không nên lựa chọn những sản phẩm không rõ nguồn gốc hay không được kiểm định chất lượng để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Đồng thời, cũng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để kiểm tra kỹ mặt hàng này từ khâu nhập đến phân phối tạo nên sự an tâm cho người sử dụng.
Mai một nghề thêu tay truyền thống

Các loại chỉ thêu tranh bán trên thị trường đều chưa được kiểm định chất lượng

 
Huế được biết là nơi xuất xứ của nghệ thuật thêu tay truyền thống với lịch sử hàng trăm năm. Bức tranh thêu tay truyền thống không được vẽ, in, khắc… bằng cách thông thường, mà được tạo nên bởi kim, chỉ, lụa cùng với đôi tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân. Ở Huế, tranh thêu tay truyền thống xuất hiện sớm và phát triển cao về mỹ thuật lẫn kỹ thuật. Nhưng với sự “dễ dãi” trong cách thêu, tranh thêu chữ thập du nhập vào Huế và đang dần “soán ngôi” tranh thêu tay truyền thống trên thị trường. Với sức hút của tranh thêu chữ thập, nhiều người mải mê thêu tranh, bỏ ngoài tai những cảnh báo về ảnh hưởng sức khỏe và cũng quên mất chúng ta cũng có một nghề thêu tranh tay truyền thống. Thêu tranh chữ thập rất đơn giản bởi vải thêu đã có dập lỗ sẵn, lỗ thêu đã được lập trình thiết kế, màu chỉ cũng được đánh số, in màu sẵn lên vải. Chỉ với duy nhất một hình thức, mũi thêu theo hình chữ X. Sợi chỉ thêu thô và to hơn nên thêu nhanh xong, đặc biệt không cần khéo tay hay kiến thức nghệ thuật mà bất kỳ ai cũng có thể thêu được. Còn đối với tranh thêu tay truyền thống phải vẽ tay trực tiếp lên vải. Hình chỉ là các nét vẽ chứ không có màu sẵn. Chỉ thêu rất đa dạng, chỉ thô kết hợp với chỉ bóng, tất cả các chỉ thêu đều được làm bằng sợi tơ tằm. Tùy từng chi tiết để có hình thức thêu phù hợp, ví dụ như: đâm xô, móc xích, đột, xa hạt, chòng... Khi thêu tay truyền thống, người thợ thêu phải thả hồn vào tác phẩm, phải tưởng tượng, định hình và sáng tạo trong từng mũi thêu mới có được một bức tranh đẹp. Để thêu được tranh truyền thống phải học nghề mấy tháng, thậm chí cả năm mới thêu được nên nhiều người nản lòng và chọn tranh thêu chữ thập Trung Quốc.
Thêu tranh chữ thập giống như là một bức tranh được vẽ sẵn. Người thêu chỉ cần tô màu để hoàn thiện bức tranh. Chính vì vậy, nó làm mất đi sự sáng tạo, tính nghệ thuật trong bức tranh. Và hơn hết, chính sự đơn giản để thêu được một bức tranh mà chị em phụ nữ đặc biệt là giới trẻ yêu thích thêu tranh tìm đến tranh thêu chữ thập mà quên mất nghề thêu tranh truyền thống của ta.
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo