Lương tối thiểu được hiểu là một mức lương thấp nhất theo quy định của Luật Lao động. Đó là số tiền trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong xã hội với điều kiện làm việc và cường độ lao động bình thường, lao động chưa qua đào tạo nghề. Số tiền đó đủ để người lao động tái sản xuất giản đơn sức lao động, đóng bảo hiểm tuổi già và nuôi con. Tuy nhiên, hiện nay, mức lương tối thiểu mà chúng ta đang áp dụng mới chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nên đa phần người lao động gặp khó khăn. Vì vậy, tăng lương tối thiểu là một yêu cầu bắt buộc. Vấn đề còn lại là mức tăng thế nào cho hợp lý để hài hòa lợi ích cả doanh nghiệp và người lao động, nhưng cũng cần đáp ứng lộ trình tăng lương tối thiểu được Chính phủ đề ra, với mục tiêu đến năm 2017, mức lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đó là bài toán khó.

Ở góc độ doanh nghiệp, lương là một bộ phận cấu thành giá thành sản phẩm. Chi phí lương tăng đồng nghĩa với giá thành sản phẩm tăng, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Nếu trước đây, lợi thế giá nhân công rẻ là vũ khí cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thì nay lợi thế đó đang giảm dần. Đó là điều tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, nên các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế khi lợi thế đó sẽ mất dần. Bên cạnh tác động bất lợi, việc tăng lương cũng có mặt tích cực là tạo áp lực buộc các doanh nghiệp muốn tồn tại phải nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề người lao động. Đó mới là giải pháp để phát triển doanh nghiệp bền vững. Thực tế ở Thừa Thiên Huế cho thấy, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều doanh nghiệp dệt may, trong khi một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động khó khăn, nhưng ở các doanh nghiệp làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp, quan tâm đến người lao động thì luôn có lực lượng lao động ổn định, hiệu quả sản xuất cao, như: Dệt may Huế, Sợi Phú Bài, HBI…
Ở góc độ người lao động, với đồng lương tối thiểu không đủ trang trải cuộc sống, họ sẽ chẳng bao giờ gắn bó và tận tâm cống hiến cho doanh nghiệp lâu dài. Khi có điều kiện, cơ hội họ sẵn sàng rời bỏ doanh nghiệp đến nơi làm việc mới có thu nhập hấp dẫn hơn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề; tốn chi phí đào tạo lao động mới. Tuy nhiên, để giảm áp lực tăng lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng phải có trách nhiệm nâng cao tay nghề và tác phong lao động công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Suy cho cùng, thu nhập người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ khi hài hòa lợi ích cả doanh nghiệp lẫn người lao động, khi đó mới tìm được tiếng nói chung giữa người sự dụng lao động và người lao động.
Hoàng Giang