Đòn chân đặc trưng của Vovinam. Ảnh: Võ Nhân

Tin vui này đã được giới võ thuật cổ truyền ở Huế đón nhận niềm nở. Võ sư Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền tỉnh cho biết: “Hiện ở Huế vẫn còn lưu lại các bài võ thơ bằng chữ Hán và chữ Nôm mà theo nhận định của nhiều võ sư xứ Huế thì đây là những văn bản cổ quý hiếm còn lưu truyền trong làng võ cổ truyền dân tộc… Chúng tôi rất vui vì võ cổ truyền sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh, giúp các em không những rèn luyện sức khỏe mà còn hiểu biết thêm về tinh hoa võ cổ truyền của ông cha…”.

Cùng với một nền võ cổ truyền của triều đại Tây Sơn, dưới thời nhà Nguyễn, Huế cũng được mệnh danh là Võ kinh với nhiều môn phái võ cổ truyền được kế thừa, hình thành và phát triển một cách rực rỡ. Ngày nay, ở Huế  có đến 15 môn phái võ cổ truyền dân tộc vẫn hoạt động, tiêu biểu là các môn phái: Việt Võ đạo, Bạch Hổ, Nga My, Thiên Mục Sơn, Thiếu Bảo, Nam Sơn, Hầu Quyền Đạo, Thiếu Lâm Vạn An, Võ Kinh Vạn An… Đây là điều kiện rất thuận lợi để đưa võ thuật cổ truyền đến với học sinh…

Từ những năm 30 của thế kỷ trước, ở Huế đã hình thành một môn phái võ cổ truyền mang tên Vạn An. Người sáng lập ra môn phái võ dân tộc này là cố Võ sư Trương Văn Thăng - đệ tử chân truyền của cố Võ cử Nguyễn Thanh Vạn, một người từng có nhiều công trạng dưới thời nhà Nguyễn. Hiện nay, võ đường Vạn An phái do võ sư Trương Quang Kim - con trai của Võ sư Trương Văn Thăng - làm chưởng môn. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh, Vạn An phái đã có hàng chục điểm tập luyện, thu hút hơn 1000 võ sinh. Môn phái võ cổ truyền này cũng đã vượt tầm quốc gia để mang tinh hoa võ Việt đến với các nước như Pháp, Úc, Italia với rất nhiều võ sinh người nước ngoài tham gia tập luyện.

Trong một lần chúng tôi ghé thăm Vạn An phái, Võ sư Trương Quang Kim bày tỏ: “Võ thuật cổ truyền ở cố đô Phú Xuân - Huế ngày xưa góp phần rất lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay võ thuật cổ truyền cũng là nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Mong muốn của những người theo nghiệp võ chúng tôi là tất cả các môn phái cần có một mái nhà chung để sinh hoạt và từ đó những giá trị của võ thuật cổ truyền Huế sẽ được phát huy. Chúng tôi rất vui khi võ cổ truyền được phát huy giá trị, tinh hoa của nó khi đưa vào trường học...”.

Có thể nói, phát triển giáo dục toàn diện đối với học sinh phổ thông không thể thiếu vai trò của giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, trong đó, việc duy trì đều đặn hoạt động tập thể dục, tập luyện các bài võ cổ truyền là cần thiết bởi nó vừa rèn luyện sức khỏe vừa góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, có kỷ cương, nền nếp, ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc.

Thanh Phi