Xứng đáng được vinh danh

Văn hóa ẩm thực nước ta có rất nhiều lợi thế để trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trước hết, khi nói đến ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực Huế, không chỉ người dân Việt Nam mà tất cả các du khách đến từ các nước trên thế giới đều phải thừa nhận Việt Nam là một cường quốc về ẩm thực và Huế chính là địa phương đại diện, còn bảo lưu được nhiều nhất những giá trị văn hóa ẩm thực, thể hiện nét đặc trưng riêng có vừa là sự tổng hợp, kế thừa phát triển từ các nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các vùng miền khác trên đất nước. Ẩm thực Huế thể hiện tính chất đa dạng, phong phú, không chỉ trong dân gian mà cả của giới quý tộc, cung đình, và một lĩnh vực thể hiện bản sắc rất riêng là ẩm thực chay phục vụ giới tăng ni, phật tử. Hơn thế, do là Cố đô của triều đại phong kiến cuối cùng, kết thúc cách nay chưa lâu nên các giá trị văn hóa, trong đó có nghệ thuật ẩm thực vẫn còn hiện diện rõ nét trong đời sống của người dân Huế, đặc biệt là trong những người hoàng tộc. Bên cạnh đó, hiện còn có những đầu bếp – hay còn gọi là nghệ nhân ẩm thực được thừa hưởng sự truyền nghề tiếp nối từ thế hệ đi trước.

Một góc ẩm thực Huế tại Festival nghề truyền thông Huế 2011 - ảnh từ internet
Phải làm gì?
 Việt Nam có khoảng 1700 món ăn, trong đó chỉ riêng Huế đã có 1300 món, một số ý kiến khác còn cho rằng, số món ăn ở Huế có thể lớn hơn con số 1300 rất nhiều (có ý kiến cho rằng, Huế có đến gần 3000 món ăn). Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng các món ăn còn hiện diện trong các bữa ăn, đám tiệc, thực đơn khách sạn ở Huế… không còn nhiều như con số thống kê đưa ra. Nhiều món trong số đó chỉ còn nghe đến tên và không còn giữ được cách thức chế biến, thậm chí không ít đã bị thất truyền. Những cuốn sách mang tính sử liệu về loại hình văn hóa này tuy còn nhưng không nhiều, ví như cuốn “Thực phổ bách thiên” rất nổi tiếng của bà Trương Đăng Thị Bích cũng chỉ mới đưa ra cách thức chế biến của 100 món ăn; Cuốn “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của triều Nguyễn cũng không thể kể hết những món ngon cung đình của các triều vua. Đã đến lúc, chúng ta cần nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi cách thức chế biến các món ăn đã từng có trước đây, nhất là các món ăn trong thực đơn bữa ăn, yến tiệc của cung đình triều Nguyễn với hàng trăm món ăn. Việc giáo dục, đào tạo, truyền nghề từ các nghệ nhân ẩm thực cho các thế hệ tiếp theo cần được quan tâm nhiều hơn, trước hết là phục hồi bộ môn nữ công gia chánh ở một số trường học bậc phổ thông. Các ý tưởng, như xây dựng chợ ẩm thực, bảo tàng ẩm thực tại Huế cũng cần được lưu tâm. Đối với công việc làm hồ sơ đệ trình di sản thì chúng ta đã có không ít kinh nghiệm nhất là trong quá trình làm hồ sơ cho quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc cung đình, nghĩa là chúng ta biết phải thực hiện như thế nào để hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục, cách thức với sự kỳ công cần phải có.
Hy vọng, không xa, với sự tâm huyết cũng như sự kỳ vọng, ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Huế nói riêng sẽ được thế giới sớm vinh danh Di sản văn hóa thế giới, để trở thành một thương hiệu mang tính quốc gia, là một phần của “quốc hồn, quốc túy” Việt Nam.
Quang Phong