Chính phủ Đức ước tính tiếp nhận khoảng ​​800.000 người tị nạn trong năm nay, khi châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến tranh Nam Tư vào thập niên 1990. Trong đó có nhiều người Hồi giáo đến từ Syria, Iraq và Afghanistan.

"Chúng tôi đang quan sát Salafi, khi chúng hành động như các nhà hảo tâm để cố tình tìm cách liên lạc với những người tị nạn và sau đó mời họ đến nhà thờ Hồi giáo nhằm thực hiện mục đích tuyển dụng của chúng", ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu BfV nói với tờ Rheinische Post.

Người tị nạn tại một nơi trú ẩn tạm thời ở Freilassing, Đức ngày 17/9. Ảnh: Reuters

Ông Maassen lo ngại rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang cố gắng gửi các phiến quân khủng bố cải trang thành người tị nạn để nhập cảnh vào Đức. BfV và các cơ quan tình báo nước ngoài đang theo dõi rất nhiều người tình nghi, nhưng họ không thể tìm thấy dấu hiệu đáng ngờ.

Theo ông Maassen, cuộc hành trình của người tị nạn được cho là quá nguy hiểm đối với "những kẻ khủng bố", vì chúng sẽ có nguy cơ bị lộ tẩy hoặc tử vong cao.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khẳng định, rủi ro mà các nhóm khủng bố như IS tìm cách buôn lậu súng vào châu Âu thông qua làn sóng người tị nạn là nhỏ hơn nhiều so với nhận định trước đó của một số chính trị gia.

Hiện có 400 người Đức theo đạo Hồi tới Syria gia nhập IS, trong đó có 70 phụ nữ, theo số liệu thống kê của BfV. Trong những năm trở lại đây, số người Đức gia nhập IS liên tục tăng, trong khi cơ quan tình báo nước này vẫn chưa lần tìm được bằng chứng về đường dây tuyển mộ tân binh cho tổ chức khủng bố cực đoan nói trên.

Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & Newsunited)