Chiều chủ nhật cuối cùng của kỳ nghỉ hè năm nay, mình chở mấy đứa nhỏ đi về những làng quê ven đô Lại Thế, Ngọc Anh, Dương Nổ chơi…Ngang qua đường Thanh Tịnh chỗ cầu ông Thượng thấy mùa sen đã tàn, nghĩa là mùa hạ đã qua. Mình cũng không quên nói với con là con đường này mang tên nhà văn xứ Huế, người đã viết nên áng văn trong trẻo: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều…” mà các con đã học, đã yêu…

Lại nhớ anh Xuân Hoàng, cách đây chừng 10 năm đã viết cái tạp bút về “Hằng năm cứ vào cuối thu…”. Mình chỉ nhớ mang máng là Hoàng đã về Lại Thế, thấy hoa mướp vàng đầu thu bên những khu vườn cạnh cầu ông Thượng và thấy ngôi trường làng mà ngày xưa cậu bé Thanh Tịnh theo mẹ đến trường chỉ còn là một nền đất cũ mờ cỏ dại. Hồi đó, thỉnh thoảng theo anh đi quay phóng sự truyền hình, lang thang ở mấy làng quê ven đô, thấy anh ôm camera quay cái đụn rơm mùa gặt bên đường, quay cảnh bà lão ngồi bán hàng cuối ngõ xóm, quay mấy đám lau lách phơ phất bên sông mà cũng chẳng phỏng vấn chi cả. Sau này mới hiểu, anh đang ôm camera mà tìm cảm hứng để viết văn. Đó cũng là một cách xây dựng phóng sự của riêng anh.
Nhớ cái phóng sự truyền hình “Tôi đi học” mà anh viết lời bình cũng chẳng có phỏng vấn nhân vật mà chỉ bắt đầu bằng hình ảnh một cô bé học sinh tiểu học được quay nghiêng đang học thuộc lòng đoạn văn “Hằng năm cứ vào cuối thu…” và sau đó là những hình ảnh về con đường đi học, về những tán cây xanh ríu rít sân trường, những buổi học ngơ ngác của các cô cậu học trò lớp 1…Phóng sự đó cứ như là một bài thơ bằng hình ảnh chầm chậm đi vào lòng người…
Mà mùa thu ở Huế thì ngắn lắm, mây trắng, trăng thanh, gió mát, những con đường sấp ngửa lá rơi… chỉ chừng một tháng đổ lại. Thu đến, thu đi trong thoáng chốc để rồi đến mùa mưa gió, bão bùng… Cũng vì thế chăng mà mùa tựu trường vào những ngày đầu thu mà Thanh Tịnh đã viết: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.”.
Phi Tân