Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Naharnet

Cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Mỹ Ash Carter đánh dấu sự tan băng kéo dài 18 tháng trong quan hệ quân sự hai nước do khủng hoảng Ukraine. Washington hy vọng cuộc điện đàm sẽ góp phần chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc ở Syria.

Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ và tập trung vào "sự phối hợp song phương và đa phương cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Trong những tuần qua, Washington tỏ ra quan ngại về việc Nga tăng cường hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Bashar al-Assad, sau những thông tin Moscow gửi tàu, pháo binh và xe tăng đến Syria.

Theo phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, Moscow đang cân nhắc gửi binh sĩ đến Syria nếu chính quyền của ông Assad yêu cầu, động thái làm gia tăng mối quan ngại của Washington.

Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời ông Peskov cho hay, "nếu có bất kỳ yêu cầu nào thì chúng tôi sẽ thảo luận và đánh giá thông qua đối thoại song phương”.

Điểm chung

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cung cấp các hỗ trợ quan trọng cho chính quyền Assad trong suốt cuộc xung đột giữa Chính phủ Syria với lực lượng nổi dậy, khiến 240.000 người thiệt mạng và 4 triệu người phải rời bỏ đất nước.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đã bác bỏ thông tin về sự tham gia của binh sĩ Nga trong cuộc chiến, đồng thời khẳng định Quân đội Syria có thể tự chiến đấu và chỉ cần thêm vũ khí.

"Cho đến nay, chúng ta không chiến đấu chung với lực lượng của Nga, nhưng nếu chúng ta cần chúng ta sẽ xem xét và yêu cầu Nga”, ông Muallem phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Syria.

Trước đó, Washington đã cảnh báo việc Moscow củng cố chính quyền Assad chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.

Mặt khác, Ngoại trưởng John Kerry nhận định, các cuộc đàm phán quân sự sẽ ngăn chặn điều này, "trọng tâm rõ ràng vẫn là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đồng thời, chúng tôi tin rằng giải pháp chính trị đối với Syria không thể đạt được với sự hiện diện lâu dài của Tổng thống Assad. Với cuộc điện đàm, chúng tôi đang tìm kiếm điểm chung và thử nghiệm các phương pháp khả thi”.

Động thái nối lại liên lạc với Lầu Năm Góc là một bước tiến đáng mừng cho Moscow, giúp Tổng thống Putin thúc đẩy một liên minh lớn hơn nhằm chống lại IS ở Syria và nắm giữ một vai trò quốc tế nổi bật hơn sau khi bị tẩy chay vì vấn đề Ukraine.

Được biết, các liên lạc quân sự giữa Nga và Mỹ đều bị ngăn chặn kể từ tháng 3/2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Nga và phương Tây hiện đang chìm trong những bế tắc tồi tệ nhất kể từ thời chiến tranh lạnh.

 

Lê Thảo (lược dịch từ AFP)