Thời điểm này bệnh sốt rét và sốt xuất huyết đang lưu hành, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã trao đổi với Thầy thuốc ưu tú-bác sĩ Nguyễn Võ Hinh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Thừa Thiên Huế về vấn đề này.
 
Xin bác sĩ cho biết triệu chứng của bệnh sốt rét?
 
BS Nguyễn Võ Hinh
Người bệnh bị mắc sốt rét thường biểu hiện triệu chứng lâm sàng bằng cơn sốt. Trong đó cơn sốt điển hình diễn biến qua 3 giai đoạn rét run, nóng sốt và ra nhiều mồ hôi. Tuy vậy, nhiều trường hợp người bệnh có cơn sốt không điển hình như sốt không thành cơn, chỉ thấy ớn lạnh, gai rét thoáng qua; thường gặp ở những người sống lâu năm trong vùng sốt rét lưu hành hoặc sốt cao liên tục hay dao động trong 5-7 ngày đầu rồi sau đó mới thành cơn; thường gặp ở trẻ em và người lớn bị mắc sốt rét lần đầu. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác như thiếu máu, gan to, lách to...
 
Đứng trước các triệu chứng lâm sàng này, muốn chẩn đoán bệnh sốt rét cần phải căn cứ thêm vào 2 yếu tố dịch tễ và xét nghiệm. Về dịch tễ, phải hỏi kỹ người bệnh có đang sinh sống, có vào vùng sốt rét lưu hành trong vòng 1 tháng hay có tiền sử mắc sốt rét trong 2 năm gần đây không để giúp định hướng.
 
Về xét nghiệm, phải thử máu để phát hiện sự có mặt của ký sinh trùng sốt rét thể vô tính hoặc thử nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên sốt rét dương tính. Ở các cơ sở y tế không có kính hiển vi, lấy lam máu gửi đến điểm kính hiển vi gần nhất để nhờ xét nghiệm. Như vậy, muốn chẩn đoán bệnh sốt rét chính xác cần phải dựa vào cả 3 yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Yếu tố dịch tễ để định hướng, yếu tố lâm sàng để gợi ý và yếu tố xét nghiệm để quyết định.
 
Nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán, bệnh sốt rét có thể bị nhầm lẫn với sốt xuất huyết không? Xin bác sĩ khuyến cáo về sự lưu ý này?
 
Trong chẩn đoán phân biệt bệnh sốt rét với các bệnh khác, Bộ Y tế đã khuyến cáo tất cả cơ sở y tế khi đối diện với những trường hợp người bệnh nghi ngờ bị mắc sốt rét, không nên chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh mà phải căn cứ thêm yếu tố dịch tễ và xét nghiệm.
 
Khi kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét âm tính, cần phân biệt với sốt do các nguyên nhân nhân khác như sốt xuất huyết Dengue, sốt thương hàn, sốt mò, cảm cúm, viên họng, viêm amygdale... Vậy nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh sốt rét thì chưa đủ mà cần phải căn cứ thêm yếu tố dịch tễ và xét nghiệm máu theo quy định.
 
Bác sĩ có thể cho biết thêm về triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết để dễ nhận thấy và phân biệt được với bệnh sốt rét?
 
Sốt xuất huyết có hai loại thể bệnh lâm sàng để nhận biết là sốt xuất huyết Dengue không sốc và sốt xuất huyết Dengue có sốc. Sốt xuất huyết Dengue không sốc có nhiều hội chứng kèm theo. Hội chứng nhiễm trùng với triệu chứng sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40oC, sốt kéo dài từ 2-7 ngày, sốt kèm các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải, đôi khi nôn, gan to, ở trẻ em hay gặp hơn người lớn, đôi khi da sung huyết hoặc có phát ban.
 
Hội chứng thần kinh với triệu chứng đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đau quanh hố mắt; trẻ em nhỏ sốt cao, đôi khi co giật, hốt hoảng; không có biểu hiện màng não. Hội chứng xuất huyết thường xuất hiện vào ngày thứ 2 của bệnh. Trường hợp không có xuất huyết thì có dấu hiệu dây thắt dương tính. Các biểu hiện xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi tiêm chích sẽ thấy bầm tím quanh nơi tiêm. Có dấu hiệu xuất huyết ngoài da biểu hiện như các chấm xuất huyết, vết bầm tím, rõ nhất là xuất huyết ở mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.
 
Ngoài ra, có thể bị xuất huyết ở niêm mạc gây chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới màng tiếp hợp, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn kỳ hạn. Người bệnh cũng có thể bị xuất huyết tiêu hóa nhưnôn ra máu, đi đại tiện ra máu; khi có xuất huyết tiêu hóa nhiều, bệnh thường diễn biến nặng.
 
Sốt xuất huyết Dengue có sốc là một thể bệnh nguy kịch. Khi người bệnh bị sốt xuất huyết Dengue, cần theo dõi sốc là biến chứng nặng dễ đưa đến tử vong. Do đó phải thường xuyên theo dõi huyết áp, mạch, nhiệt độ, hematocrit, số lượng nước tiểu. Sốc thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, nhiệt độ hạ xuống đột ngột, da lạnh, tím tái, bệnh nhân vật vã, li bì, đau bụng cấp. Sốc xuất hiện nhanh chóng với mạch nhanh nhỏ khó bắt, da lạnh nhớp mồ hôi; huyết áp hạ, huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc huyết áp kẹp, khoảng cách giữa tối đa và tối thiểu 20mmHg.
Nếu không được xử trí kịp thời, sốc diễn biến rất nhanh với huyết áp tụt xuống nhanh, đôi khi không đo được; mạch nhỏ khó bắt, bệnh nhân ở trạng thái lơ mơ, thở yếu. Thời gian sốc thường ngắn và bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 12 đến 24 giờ. Nếu không xử trí nhanh chóng, sốc kéo dài sẽ gây toan chuyển hóa, giảm natri máu và xuất hiện đông máu nội mạch rải rác gây xuất huyết trầm trọng ở tiêu hóa và các cơ quan khác. Bệnh nhân cũng có thể xuất huyết não đưa đến hôn mê.
 
Như vậy, triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với sốt rét và ngược lại, sốt rét có thễ nhầm lẫn với sốt xuất huyết, nhất là trong các trường hợp có dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển hoặc những người bệnh ở vùng đồng bằng, thành phố bị mắc sốt rét lần đầu khi đi vào vùng có sốt rét lưu hành trở về. Do đó các cơ sở y tế cần phải cảnh giác, quan tâm đến vấn đề này để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra vì chẩn đoán bệnh nhầm lẫn.
 
 Xin cám ơn bác sĩ !                        
 Đinh Hoàng Xuân Hồng (thực hiện)