Ve sầu lột xác

Thật ra, đi lấy xác ve sầu chỉ là một chuyện, còn nhiều chuyện khác cũng thích thú không kém: Như được đi chơi trên những con đường làng rợp bóng cây xanh; được ông tôi kể về sự tích tên gọi các loài cây, các con vật mà ông cháu gặp trên đường… Đường làng mùa này cây cối đua nhau đâm chồi nẩy lộc, chim chóc kết đôi bạn bè hót ríu ran nghe thật vui. Những cành bàng khẳng khiu trơ trụi hôm nào nay đã nhú những búp lá xanh. Nhãn vườn ai đã nở những chùm hoa li ti, phủ trắng cả vòm lá xanh của cây. Đi dọc đường làng, khi qua những cây to, ông dắt tay tôi lại gần. Ô kìa, cách gốc cây một khoảng ngang tầm nhìn của lũ trẻ con chúng tôi, xác những chú ve sầu màu nâu nhạt bám vào vỏ cây, dáng như đang bò lên, giống như có ai vừa gắn vào để trang trí vậy! Xác chú ve sầu bụng to, hai cánh nhỏ xíu, nhưng đã mang hình hài của ve. Tôi đưa tay gỡ xác ve sầu khỏi thân cây, bỏ vào cái bao nilon nhỏ mà bà tôi đã biết ý nhét vào túi tôi khi vừa ra khỏi nhà. Những chiếc gai nhỏ ở hai chân trước xác ve bám vào vỏ cây khá chắc, khi lấy ra nghe tiếng rắc rắc nho nhỏ. Những xác ve bám vào chỗ cao hơn, tôi phải nhờ ông lấy hộ. Ông lấy que lẩy nhẹ cho rơi xuống, tôi đưa tay hứng. Có khi hứng được, có khi không hứng được, lại rơi dính vào tóc, phải gỡ để lấy ra. Tuy không khó như khi gỡ quả ké mà bọn con trai tinh nghịch ném vào tóc bọn con gái, nhưng cũng phải nhẹ tay, vì xác ve mỏng giòn, dễ gãy. Thỉnh thoảng tôi reo lên thích thú khi thấy một chú ve sầu lột xác chưa xong. Chú ve sầu đã ra dáng lắm rồi nhưng trông còn trắng xanh, yếu mềm và dưới bụng còn dính cái vỏ áo cũ . Tôi định bắt lấy luôn nhưng ông đã kịp giữ tay tôi lại và nói: “Tội nó cháu, bắt con ve mới lột xác cũng chẳng chơi được, để chiều nay lột xác xong, nó bò lên ngọn cây rồi sẽ “đàn” suốt cả mùa hè cho cháu nghe.


Hoa gạo. Ảnh: Internet
Cứ thế, hai ông cháu thẩn tha đi cho mãi đến khi gặp cây gạo đầu làng. Cây gạo đã điểm những bông hoa đỏ rực. Mùa hè sắp đến rồi đây. Ông tôi bảo, đây là thời gian cuối của năm học, là giai đoạn nước rút, là lúc chuẩn bị về đích nên phải gắng học để cuối năm có kết quả tốt thì nghỉ hè mới vui. Ông còn hứa tặng quà cho tôi nếu biết nghe theo lời khuyên của ông. Mấy người đi đường cũng dừng chân nghỉ lại ở gốc cây gạo, chuyện trò râm ran. Cây gạo cổ thụ là biển chỉ đường về quê tôi đó. Người làng quê tôi bảo, đi đâu xa, về cách làng chừng ba bốn cây số đã thấy cây gạo quê nhà! Thấy cây gạo coi như đã đến làng rồi.
Thấy tôi đã thấm mệt, ông dắt tôi ra về. Đến nhà đã quá nửa buổi sáng. Bà tôi đang thong thả chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả nhà. Tôi không quên đưa ngay túi xác ve sầu cho bà. Bà cầm lấy và vui vẻ bảo: “Bà cất đi để làm thuốc. Dân gian cho rằng xác ve sầu chữa được chứng ho cảm mất tiếng, chữa lở, rồi chữa chứng dạ đề (khóc đêm), trẻ con kinh dật”… Hóa ra trước khi “vào đời”, chú ve sầu còn để lại cái áo khoác cũ giúp ích cho con người!
Mấy hôm sau, trên đường đi học, tôi đã nghe có tiếng ve ngân, tuy chưa râm ran nhưng cũng gợi sự xốn xang của tuổi học trò khi mùa hè đã đến gần. Chẳng biết trong những chú ve sầu “đánh đàn” mở màn gọi mùa hè kia, có chú ve hôm trước ông cháu tôi đã gặp khi còn lột xác không?
Nguyễn Xuân Châu