Thiếu và manh mún
Từ TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên gia đình bà Huyền đến Huế du lịch trên chuyến bay muộn, lúc hơn 8 giờ tối. Xuống sân bay, họ lóng ngóng tìm quầy thông tin du lịch nhưng không thấy. Thấy tôi đứng gần đó, bà Huyền hỏi thăm nên đi chơi ở đâu, ăn gì, mua gì... rồi than phiền: “Chúng tôi đi du lịch tự do chứ không mua tour. Dù đã tham khảo thông tin trên mạng nhưng tôi vẫn lúng túng về tour tuyến tham quan, mua sắm. Cứ nghĩ xuống sân bay sẽ có quầy thông tin hỗ trợ du khách như những nơi khác nên tôi cũng chủ quan”. Do vội, tôi chỉ kịp giới thiệu sơ lược một số thông tin rồi hướng dẫn bà sáng hôm sau đến Trung tâm Thông tin và hỗ trợ du khách ở số 1 Phạm Hồng Thái, TP Huế để được giúp đỡ.
Nhân viên Khách sạn Hương Giang cung cấp thông tin về du lịch Huế cho du khách
|
Gặp tình huống như bà Huyền không phải là hiếm khi ở sân bay Phú Bài vẫn chưa có quầy thông tin hỗ trợ cho du khách thường xuyên, ngoại trừ quầy thông tin của Công ty Huetourist. Tuy nhiên, Huetourist cũng chỉ có thể bố trí người làm việc trong giờ hành chính.
Ông Nguyễn Bảo Kỳ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch trăn trở: “Đặt bàn thông tin hỗ trợ du khách ở sân bay, nhà ga và những điểm tham quan đông khách là mong muốn của chúng tôi mà nếu làm được, việc quảng bá tại chỗ sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, vì không đủ nguồn lực, khó khăn về nhân sự, kinh phí nên chưa thể. Trực ở sân bay ít nhất phải có 2 người thay phiên nhau, nếu không sẽ quá giờ theo luật lao động. Vì thế, chỉ vào những dịp cao điểm như Festival, lễ, tết, trung tâm mới cho người về hỗ trợ thông tin cho du khách”.
Hiện tại, các quầy thông tin du lịch tập trung chủ yếu ở đường Lê Lợi và khu phố Tây. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ, ngoài Trung tâm Thông tin Du lịch và hỗ trợ du khách đặt ở số 1 Phạm Hồng Thái, việc quảng bá tại chỗ đa phần do các doanh nghiệp làm tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm và chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp chủ yếu quảng bá những tour bán chạy chứ chưa quan tâm quảng bá tiềm năng của du lịch Huế. Cách quảng bá còn đơn điệu, chưa cập nhật những phương thức quảng bá hiện đại.
Thành lập nhiều trung tâm vệ tinh
Ông Lê Xuân Phương cho rằng, ở những điểm đông khách lui tới, tỉnh cần tổ chức các quầy thông tin du lịch và thông báo rộng rãi cho du khách biết ở Huế có bao nhiêu điểm như thế để họ tìm đến khi cần. Ngoài sân bay, nhà ga, khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, thì khu phố Tây, tuyến đường Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, bến thuyền Tòa Khâm, một số điểm tham quan cũng cần tăng cường việc quảng bá tại chỗ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết hợp tác với Viettel triển khai dự án cung cấp thông tin cho du khách. Theo đó, khi khách đến Huế, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn chào đón và cung cấp một số thông tin về điểm đến, sản phẩm du lịch, ăn uống, mua sắm… Ngoài ra còn có phần mềm cài trên điện thoại thông minh có thể giúp khách tra cứu các tour tuyến ở Huế.
|
Để quảng bá hiệu quả, các đơn vị liên quan nên bàn bạc quảng bá cái gì và như thế nào cho du lịch Huế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa ra quy chuẩn, một quầy thông tin du lịch cần có gì để tạo ấn tượng với du khách. Ngoài việc trưng bày ấn phẩm, brochure tại quầy, cần tìm hiểu nhu cầu của du khách, bổ sung thêm cách thức quảng bá hiện đại và có sự giám sát của cơ quan chức năng.
Theo ông Hoàng Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, cần tăng cường quảng bá trực quan tại các cửa ngõ đón khách, như: Cảng Chân Mây, sân bay Phú Bài và trên trục Quốc lộ 1 lên Huế bằng các hình ảnh quảng cáo mang đặc trưng Huế. “Có thể quảng cáo bằng những hình ảnh sinh động, kỹ thuật điện tử mới bắt mắt, thể hiện được đặc trưng văn hóa của Huế. Việc thiết kế các bảng quảng cáo, pano, áp phích phải theo quy chuẩn, mô phỏng các hình ảnh đặc trưng của Huế để nhìn vào du khách có thể nhận ra ngay đó là Huế”, ông Khánh gợi ý.
Ông Nguyễn Bảo Kỳ cho hay: “Mong muốn của chúng tôi là sau khi xây dựng Trung tâm Thông tin Du lịch và hỗ trợ du khách ở Phạm Hồng Thái, sẽ phát huy thế mạnh, nguồn lực để thành lập nhiều trung tâm thông tin vệ tinh, như ở chùa Thiên Mụ, Đại Nội, sân bay, nhà ga… hỗ trợ kịp thời khi du khách cần”. Cũng theo ông Bảo Kỳ, cách làm có thể học tập mô hình ở Hà Nội, hợp đồng người hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Thông tin Du lịch và hỗ trợ du khách. Tất nhiên, họ được đào tạo, hướng dẫn theo bộ quy chuẩn chung của Tổng cục Du lịch. Ngoài tư vấn, hỗ trợ thông tin cho du khách, sẽ tạo điều kiện cho người lao động kết hợp bán tour khi du khách có nhu cầu (bán đúng giá của hãng lữ hành và cam kết không được chèo kéo, chặt chém khách) để họ có nguồn thu mà Nhà nước không phải trả lương.
Trung tâm Thông tin Du lịch và hỗ trợ du khách hoạt động từ tháng 12/2014 đến nay và đã cung cấp thông tin cho 4 nghìn lượt du khách. Để đẩy mạnh quảng bá du lịch tại chỗ, trung tâm cần có thêm kinh phí, nhân lực và sự phối hợp của các bên liên quan. “Khi mở các trung tâm hỗ trợ du khách vệ tinh, đề nghị các đơn vị liên quan như Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các điểm tham quan hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp giữa các đơn vị lữ hành, cơ quan nhà nước, khách sạn để những thông tin về sản phẩm, tour tuyến, điểm đến… đều được giới thiệu ở các khách sạn”, ông Kỳ đề xuất thêm.
Cũng theo ông Khánh, ngoài quảng bá bằng hình ảnh thì thái độ đón tiếp niềm nở, ân cần, thân thiện của người dân là cách quảng bá tại chỗ vô hình nhưng cực kỳ hiệu quả và lan truyền rất nhanh. Điều này cần chấn chỉnh thông qua tuyên truyền, giáo dục cho người dân thái độ ứng xử với du khách.
Minh Hiền