Nguyễn Thị Phương Lan, quê ở Hải Dương, sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Luật, cho hay: “Em biết thông tin về KTX này qua tìm hiểu về Trường đại học Luật Huế. Chúng em ở phòng 4 người, giá 200.000 đồng/người/tháng là khá rẻ. Cở sở vật chất, phòng ốc ở đây cũng rất tốt, sạch sẽ và thoáng mát”. Phạm Song Biển, quê ở Quảng Bình, mới nhập học tại Trường đại học Luật cho biết: “Em nghe anh chị cùng quê, khoá trước giới thiệu nên em đã vào đây ở. Giá phòng rẻ, không gian ở rộng rãi, lại có khu vệ sinh khép kín nên rất thuận tiện. Các phòng trọ bên ngoài giá vừa đắt mà phòng lại không khang trang như ở đây. Quản lý KTX cũng quan tâm, thường xuyên hỏi thăm sinh viên. Tình hình an ninh trật tự trong KTX cũng rất tốt”.

Tại một phòng ở của sinh viên khu ký túc xá Trường Bia

Đại học Huế hiện có 4 KTX do Trung tâm Phục vụ sinh viên quản lý, trong đó KTX Tây Lộc chủ yếu phục vụ sinh viên Trường đại học Nông Lâm. KTX Đội Cung phục vụ sinh viên Trường đại học Sư phạm. KTX Đống Đa phục vụ sinh viên Trường đại học Khoa học và Y Dược. Lớn nhất và cũng hiện đại nhất là KTX Trường Bia phục vụ sinh viên các trường đại học Ngoại ngữ, Kinh tế, Luật, Khoa Giáo dục thể chất và một số sinh viên của Trường đại học Y Dược, Khoa học, Khoa Du lịch. “Năm nay, cả 4 KTX có 620 phòng, riêng KTX Trường Bia có 487 phòng, ông Hải nói. - Chúng tôi dành 1.100 chỗ ở cho sinh viên năm thứ nhất. Đến ngày 11/9 - tức sau 2 ngày nhập học, các em đã vào ở lấp đầy. Năm ngoái, số lượng em vào ở KTX chỉ đạt 90-95% tổng số phòng, những năm trước đó con số thấp hơn nhiều - 60% công suất phòng, nhưng năm nay con số 100% khiến chúng tôi cảm thấy bất ngờ”.

Sở dĩ nhiều sinh viên vào ở KTX là do năm nay các em đã tiếp cận được thông tin về KTX của Đại học Huế từ rất sớm. “Chúng tôi đã làm công tác quảng bá, tuyên truyền rộng rãi để các em tiếp cận thông tin. Cụ thể, trung tâm đã làm việc với các báo, đài, báo điện tử và trang web của Đại học Huế để đăng thông tin về KTX Đại học Huế, vì vậy thông tin KTX đến với các thí sinh nhanh chóng hơn. Các thông tin về KTX như số lượng phòng, giá cả,... cũng được in phía sau giấy báo nhập học để các em biết. Năm nay, phụ huynh cũng chu đáo hơn khi đến KTX sớm hơn ngày nhập học để chuẩn bị kỹ càng chỗ ở cho con em mình”, ông Hải cho biết.

Quầy tạp hoá như một siêu thị thu nhỏ với đầy đủ đồ dùng cho sinh viên tại khu ký túc xá Trường Bia

“Chúng tôi rất mong tỉnh sớm có tuyến xe buýt từ KTX Trường Bia đến các trường đại học để các em sinh viên, đặc biệt sinh viên nghèo có thể dễ dàng đi lại. Nếu có tuyến xe buýt này, lượng sinh viên vào ở KTX Trường Bia sẽ đông hơn. Sắp tới, KTX Đội Cung sẽ bàn giao cho lại cho Trường đại học Sư phạm làm các phòng chức năng. Hiện tại KTX Trường Bia chúng tôi đang xây dựng dãy nhà B3 và dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm 2016 để đón khoảng 400 sinh viên từ KTX Đội Cung lên; nhưng nếu không có tuyến xe buýt thì các em sẽ khó lên đây vì từ đường từ KTX về trường khá xa”.
 
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên - Đại học Huế

Một lý do nữa khiến lượng sinh viên năm học này về ở KTX đông là nhờ tình hình an ninh trật tự tại KTX đảm bảo khá tốt. Trung tâm Phục vụ sinh viên Đại học Huế đã trang bị hệ thống camera giám sát tại các cổng KTX và ký cam kết với công an phường về việc tuần tra khu vực KTX. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã linh động trong bố trí phòng ở theo nhu cầu của sinh viên. “Trước đây chỉ có một loại phòng ở 8 chỗ; bây giờ nếu sinh viên có nhu cầu, các em có thể chọn phòng 4 chỗ, tất nhiên giá sẽ đắt hơn (80.000 đồng/người đối với phòng 8 chỗ, và 200.000 đồng/người với phòng 4 chỗ). 2 năm nay trung tâm vẫn giữ nguyên giá phòng chứ không tăng giá như các phòng trọ bên ngoài. Các phòng đều được trang bị đầy đủ hệ thống điện, nước, ánh sáng, vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu của sinh viên và khu vệ sinh khép kín. Khuôn viên KTX có nhà giữ xe, căng tin, tạp hoá bán đầy đủ các nhu yếu phẩm phục vụ sinh viên giá rẻ hơn ngoài; sân chơi bóng chuyền, cầu lông và hệ thống internet wifi phủ sóng đến tận các phòng. Qua các đợt tuyển sinh, nhiều phụ huynh và thí sinh vào ở KTX đánh giá tốt về chất lượng phòng và môi trường ở đây nên nhiều người đã quyết định cho con mình vào ở KTX khi đậu đại học”, ông Hải thông tin.

Để giải đáp thắc mắc của sinh viên và giám sát nhân viên quản lý KTX trong ứng xử, mỗi học kỳ, trung tâm đều tổ chức đối thoại với sinh viên. “Nếu người quản lý KTX có ứng xử chưa đúng với sinh viên như quát tháo, kẻ cả,... sẽ bị phê bình và phải rút kinh nghiệm. Để thu hút sinh viên thì quan trọng là cách quản lý phải gần gũi các em. Phương châm của trung tâm là ở KTX, sinh viên là... thượng đế, họ là người trả lương cho chúng ta nên chúng ta phải làm cho tốt. Ngoài ra, mỗi dãy nhà tại KTX cũng có thùng thư góp ý để sinh viên góp ý những điều mình cảm thấy chưa hài lòng”, ông Hải chia sẻ. 

Bài, ảnh: THANH VÂN