Trẻ em được tiêm chủng vaccine chống bại liệt ở Nigeria. Ảnh: Wtop

Thông báo này được đưa ra tại một cuộc họp của Sáng kiến Loại trừ bệnh Bại liệt Toàn cầu của WHO được tổ chức ở New York, Mỹ. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lại 2 nước là Pakistan và Afghanistan trong danh sách các nước bại liệt đặc hữu toàn cầu.

Trong tuyên bố Nigeria "không còn bại liệt đặc hữu", WHO cho biết: "Đây là lần đầu tiên mà Nigeria có thể làm gián đoạn sự lan truyền của virus bại liệt hoang dã (xuất phát từ tự nhiên), đưa đất nước này và khu vực châu Phi tiến gần hơn bao giờ hết đến cột mốc được chứng nhận không còn bại liệt".

Trường hợp nhiễm bệnh cuối cùng diễn ra ở huyện Sumaila của bang Kano, miền bắc Nigeria, vào ngày 24/7/2014.

Các nước phải trải qua ít nhất 12 tháng không ghi nhận bất cứ một trường hợp nhiễm bệnh nào trước khi có thể được xem xét xóa tên ra khỏi danh sách các nước bại liệt đặc hữu; trong khi tình trạng không còn bại liệt chỉ được công nhận sau 3 năm không có thêm ca nhiễm mới. WHO cho biết, "tất cả các dữ liệu trong phòng thí nghiệm xác nhận thời hạn 12 tháng đã trôi qua mà không có thêm bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh mới".

Thông báo này là tin tốt mới nhất trong cuộc chiến toàn cầu chống lại virus bại liệt, lan truyền do điều kiện vệ sinh kém và ô nhiễm nguồn nước, có thể gây ra chứng liệt vĩnh viễn không thể phục hồi. Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương.

Ngày 12/8 vừa qua, châu Phi đánh dấu 1 năm kể từ khi ghi nhận ca nhiễm bại liệt cuối cùng - ở Somalia - nuôi hy vọng có thể loại bỏ chứng bệnh này trên khắp lục địa. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về khoảng cách tiêm chủng, đặc biệt là ở các khu vực khó tiếp cận, nơi có thể cản trở việc tiêu diệt hoàn toàn căn bệnh nguy hiểm này.

Trong năm 2015, 41 trường hợp mắc bại liệt hoang dã đã được ghi nhận trên toàn thế giới, bao gồm 32 trường hợp ở Pakistan và 9 ca nhiễm ở Afghanistan.

 

Tố Quyên (lược dịch từ AFP & BBC)