Điều kiện đầu tiên, Thừa Thiên Huế là vùng đất có truyền thống hiếu học, truyền thống lịch sử và văn hoá - một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa - đã có thời là quan trọng vào bậc nhất ở Việt Nam. Hiện tại, Thừa Thiên Huế là trung tâm thứ 3 của cả nước có nhiều trường đại học, cao đẳng; có nhiều ngành đào tạo cử nhân, nhiều chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa cấp I, cấp II; nhiều chương trình đào tạo tiên tiến, liên kết với nước ngoài. Đại học Huế với 8 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 phân hiệu và nhiều trung tâm, viện nghiên cứu có bề dày lịch sử gần 60 năm, cùng với các trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn đã và đang đào tạo hàng chục ngàn cử nhân, hàng ngàn thạc sĩ và hàng trăm tiến sĩ trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực cho xã hội.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý trong các trường đại học, cao đẳng ngày càng phát triển nhanh cả số lượng và chất lượng. Riêng Đại học Huế, hiện có gần 200 giáo sư, phó giáo sư cơ hữu; trên 530 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, và hơn 1500 thạc sĩ. Hầu hết đội ngũ này có phẩm chất, trình độ và năng lực ngày càng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Đội ngũ này là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng, phát triển trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Cuối cùng là những kết quả đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất… của Đại học Huế và các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng trên địa bàn, một mặt vừa khẳng định vị thế, uy tín của một đại học vùng, trọng điểm quốc gia; mặt khác, vừa là cơ sở điều kiện vững chắc của việc xây dựng, phát triển trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước. 

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, theo tôi cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Tích cực triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển Đại học Huế thành trung tâm đào tạo, khoa học và công nghệ có uy tín trong nước và khu vực đến năm 2020. Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức hợp lý, xây dựng bộ máy vững mạnh và nâng cao hiệu lực quản lý. Tăng cường tính chuyên nghiệp, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, các bộ phận chức năng. Phát triển mạnh mẽ hệ thống thông tin quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong mọi hoạt động của Đại học Huế.

Tiếp cận, dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của vùng và khu vực để từng bước rà soát, bổ sung, xây dựng các chương trình đào tạo mới. Thực hiện tốt các chương trình đào tạo tiên tiến, trọng điểm, đào tạo liên kết với các đại học có uy tín trên thế giới dưới nhiều hình thức. Đổi mới phương thức quản lý đào tạo theo hướng tăng tính chủ động của người học và đảm bảo các tiêu chí kiểm định chất lượng.

Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục với đội ngũ cán bộ, viên chức có đủ năng lực chuyên môn và cơ chế hoạt động hiệu quả; tích cực tham gia kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn tổ chức mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á và mạng lưới các trường đại học châu Á. Phát triển hệ thống học liệu đồng bộ và cập nhật; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy - học, đa dạng hóa các hình thức kiểm tra - đánh giá đảm bảo khách quan, chính xác; không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp cận trình độ đào tạo khu vực và quốc tế.

Tiếp cận nhu cầu nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xây dựng các nhóm chuyên gia mạnh, đa ngành có khả năng triển khai các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu lớn. Đẩy mạnh hoạt động các mô hình dịch vụ, tư vấn khoa học nhằm gắn kết các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Huế với doanh nghiệp và địa phương. Nâng cao chất lượng tạp chí Khoa học Đại học Huế và các tạp chí chuyên ngành của các trường đại học thành viên từng bước đạt chuẩn khu vực và thế giới.

Xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tiếp tục phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế đang có một cách hiệu quả hơn, xây dựng các quan hệ hợp tác quốc tế mới, thành lập các nhóm hỗ trợ và quỹ hỗ trợ hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác liên kết đào tạo với nước ngoài; khai thác có hiệu quả các nguồn tài trợ từ các Chính phủ và tổ chức quốc tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao vị thế của Đại học Huế ở trong nước và khu vực.

Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức theo hướng chuẩn hoá, phù hợp với vai trò và vị thế của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Chuẩn hóa, minh bạch hóa chức danh, trình độ, đề án vị trí việc làm và quy trình thực hiện công tác cán bộ. Tăng ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nhằm hình thành các hướng mũi nhọn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Tiếp tục xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, sử dụng, khuyến khích và đãi ngộ nhân tài. Tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để cán bộ, viên chức được bồi dưỡng nâng cao trình độ, chức danh và năng lực chuyên môn, ngang tầm với các đại học hàng đầu trong nước và khu vực.

Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo các mục tiêu đã đặt ra. Triển khai đúng tiến độ và hiệu quả công tác xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu và hiện đại hóa dần các phòng thí nghiệm, các cơ sở thực tập thực hành, nhất là các ngành kỹ thuật và công nghệ. 

Ngọc Hà (thực hiện)