Cây tạp cổ thụ ở đường Lê Lợi, đoạn tiếp giáp với đường Phạm Hồng Thái choán hết không gian vỉa hè.
1. Cây đa gáo (bìa trái) có đường kính gốc > 1m
2. Cây đề lâm vồ (sát mép vỉa hè) có đường kính gốc 3m.
|
Một hình ảnh tổng thể lấy từ một góc nhìn cao và tương đối bao quát sẽ cho chúng ta thấy một màu xanh tô điểm cho các công trình kiến trúc như một bức tranh hài hòa, mềm mại, đẹp đến khó tả. Thế nhưng đi vào chi tiết, quan sát cận cảnh từng tuyến đường, đoạn phố sẽ thấy tồn tại quá nhiều nhược điểm, từ cách kết cấu chủng loại đến cách thiết kế phân bổ cây xanh trên các vỉa hè.
Vào cuối năm 2014, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì buổi làm việc với Trung tâm Công viên cây xanh Huế (TTCVCXH) và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo, phân tích dự án “Thay thế, chỉnh trang cây xanh đường phố giai đoạn 2015-2019”. Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp cho thấy chiều hướng tích cực, thuận lợi cho việc triển khai dự án này.
Tuy nhiên, một trong những thách thức phải đối mặt khi thực hiện dự án là việc di dời, chặt hạ các cây tạp, trong đó có một số đã vào tuổi trung niên và cổ thụ. Với cách nhìn của cộng đồng, ngoại trừ một người hiểu biết, phân biệt cái được, cái mất của các cây tạp này thì đại đa số còn lại thường chỉ thấy cái lợi trước mắt là bóng mát, mà không nghĩ tới mặt tiêu cực do những cây đó gây ra cho môi trường, sức khỏe cộng đồng, thậm chí cho cả tài sản và nhân mạng khi có thiên tai. Đây chính là vấn đề làm cho những người thực hiện phải đắn đo suy nghĩ.
Cây tạp là những cây có kích cỡ thân đồ sộ lấn át không gian vỉa hè, cây có thân cành xốp dễ gãy đổ, cây ăn quả, cây có các bộ phận lá, hoa, quả gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây tai nạn khi rơi rụng, cây có mùi hôi ô nhiễm không khí,… Phần lớn những cây này tồn tại trên các tuyến đường ở TP Huế là do người dân trồng tự phát, do mọc tự nhiên, do mở rộng đường khiến một số cây từ trong vườn trở thành cây hè phố… chứ không do quy hoạch. Những loại cây như thế đã được đưa vào danh mục cấm trồng trên đường phố theo Thông tư 20/2005/TT-BXD và các quyết định về Quản lý cây xanh đô thị của nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Quyết định số 06/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ ra hơn 20 loài cây tạp cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố.
Trong thực tế, có khá nhiều cây được xếp loại là cây tạp nhưng đã tỏa bóng, có tuổi thực tế đạt 50 - 100 năm hoặc hơn nữa đang tồn tại trên các tuyến đường của thành phố Huế như cây đa gáo, đề lâm vồ (xem ảnh), sanh si, bàng… được người dân rất quý nên việc bảo tồn là một bài toán cần nghiên cứu.
Về lý thì khi dự án chỉnh trang cây xanh một số tuyến đường ở trung tâm thành phố năm 2015 – 2016 được phê duyệt triển khai thì được phép bứng dưỡng di dời những cây tạp đủ tiêu chuẩn bảo tồn đưa vào công viên, công trình công cộng… và chặt hạ những cây tạp không đủ tiêu chuẩn, trong đó có nhiều cá thể cổ thụ, để trồng thay thế những cây mục đích nhằm làm đẹp đường phố, tôn tạo cảnh quan chung. Cái khó hiện tại nhận thức và phản ứng của cộng đồng; chưa hiểu cặn kẽ; nên dễ có phản ứng cực đoan, một chiều rằng di dời, chặt hạ là “khai tử”, là “triệt phá” cây xanh; khiến cho dự án gặp trở ngại.
Việc chỉnh trang, thay thế cây xanh hợp lý cho các tuyến đường là cần thiết; đặc biệt khi Huế đang xây dựng theo nghĩa thành phố xanh, thành phố văn hóa, thành phố bền vững môi trường ASEAN. Có lẽ, trước nhất chúng ta cần có những nội dung truyền thông về tính cần thiết phải di dời và chặt hạ những cây tạp, tính pháp lý và tính hợp lý về môi trường, cảnh quan để cộng đồng thấu hiểu. Tiếp theo là tổ chức truyền thông trực tiếp qua các cuộc họp dân, chí ít là ở những địa bàn có các tuyến đường sắp chỉnh trang. Đây là một động thái tác động tâm lý cần có để cộng đồng ủng hộ và đồng tình với bước đi của dự án.
NGƯT. Đỗ Xuân Cẩm