Không có thời gian cho con

Áp lực công việc, những lo toan cơm, áo thường nhật đã lấy gần hết quỹ thời gian của không ít ông bố, bà mẹ. Đôi khi, họ quên đi cảm nhận của người thân, nhất là tâm tư, nghĩ suy của con trẻ, với lối mòn suy luận đơn thuần kiểu như: “trẻ con thì biết gì”, “trẻ con lắm chuyện”…Các chuyên gia tâm lý cho rằng, ở trẻ em, hoạt động giao tiếp là chủ đạo nên nhu cầu bộc lộ rất lớn. Khi không được lắng nghe, tâm sự không được giải toả, trẻ rất dễ ngấm ngầm phản ứng, thậm chí xung đột với người lớn.
Trẻ em tham gia Hội thi An toàn giao thông thành phố
Không khó để nhận thấy, nhiều bậc cha mẹ ít dành thời gian chơi với con chứ chưa nói tới việc lắng nghe con nói. Rất nhiều người phó mặc con cái cho nhà trường, cho ông, bà hoặc người giúp việc. Bố mẹ thường sớm sắm cho con điện thoại hay máy tính nên nhiều cô, cậu suốt ngày cứ lang thang trên mạng. Em Lê Ngọc Tú, học sinh lớp 8 (TP Huế) bộc bạch: “Em muốn bố mẹ bớt bận rộn công việc để dành nhiều hơn thời gian cho con cái. Buổi tối, em muốn xuống phòng ba mẹ chơi nhưng mọi người đều vào mạng internet. Có nhiều chuyện ở lớp học muốn được chia sẻ thì mẹ gạt phắt đi. Em chẳng biết trò chuyện với ai nên dắt xe đi lang thang chơi”. .
Bức bí trong sự bao bọc
Có những học sinh vào đến năm cuối của phổ thông trung học vẫn được bố mẹ nuông chiều. Mỗi khi các em có ý định lên tiếng hay “nổi dậy” là bố, mẹ, gia đình lại bao bọc kỹ lưỡng hơn. Thế nên, nhiều em như được lập trình để sống im lặng trong sự chiều chuộng, nhưng cảm giác cô đơn, không cảm thấy được chia sẻ lại chính là cảm xúc của đa phần trẻ em tuổi mới lớn. Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Qua những lần tư vấn, tiếp xúc với trẻ và phụ huynh, chúng tôi phát hiện, có những thất vọng khiến các em tích tụ những dằn vặt và muốn nổi loạn. Sống nhiều trong mệnh lệnh, có thể đem đến cho trẻ cảm giác mất đi sức mạnh, sự tự tin, cảm thấy như tất cả mọi cảm xúc và suy nghĩ của mình đều không được quan tâm. Cứ như thế, trẻ không học được cách tự chịu trách nhiệm về bản thân mình, hoàn toàn chỉ làm theo những gì người khác yêu cầu một cách miễn cưỡng. Nhưng người lớn thường cho rằng trẻ em cần sự phụ thuộc, sự can thiệp khiến trẻ thấy thiếu được tôn trọng.
Đòi hỏi những giải pháp
Trong không khí cởi mở của diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói năm 2015, các em đã mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ, ý kiến của mình. Các em quan tâm đến việc chương trình học quá tải, sân chơi ở nông thôn thiếu trầm trọng, thiếu phòng đọc sách báo. Trong khi đó, các trang mạng xã hội, các trò chơi game online phát triển nhanh chóng, tác động xấu đến sức khỏe, học tập và nhân cách của một bộ phận trẻ em.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, Trường THCS Phong Hiền (Phong Điền) mong muốn, lãnh đạo tỉnh nói về giải pháp để xây dựng các khu vui chơi, giải trí, các thiết chế văn hóa cho trẻ em ở vùng nông thôn. Giải pháp nào để quản lý các cơ sở kinh doanh internet đang hoạt động trên địa bàn?
Chững chạc và có trách nhiệm trước những vấn đề xã hội, các em đã phản ảnh tình trạng trẻ em bị xâm hại, ngược đãi. Tình trạng bạo lực học đường, nhất là trong giờ tan học vẫn đang diễn ra thường xuyên và nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của học sinh mỗi khi đến trường. Một số bạn chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà đánh nhau dẫn đến thương tích và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn phải bỏ học. Em Trần Thị Thủy Tiên, Trường THCS Đặng Dung (Quảng Điền) thẳng thắn: Khi xảy ra sự việc, các bạn không biết liên hệ với ai, tổ chức nào để xử lý vụ việc kịp thời. Chúng cháu mong các bác, các cô có những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này giúp chúng cháu an tâm đến trường.
Băn khoăn và lo lắng tình hình nạn đuối nước đã cướp đi cuộc sống của nhiều bạn nhỏ, em Lê Thanh Hoa (Phú Lộc) đặt câu hỏi: Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước diễn ra tại một số huyện, thị trong đó có huyện Phú Lộc. Để hạn chế và phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc đó các cô, các bác có những biện pháp cụ thể nào? Quan tâm đến kỹ năng sống trong học đường, các bạn nêu lên vấn đề cho ngành giáo dục: Ngành giáo dục đang tăng cường thực hành và giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh. Chúng cháu mong muốn được thực hành và giáo dục kỹ năng nhiều hơn thay vì tiếp cận nhiều với kiến thức, lý thuyết.
Giải đáp những thắc mắc của các em tại diễn đàn, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh còn hơn 4.500 em thuộc 10 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Những năm qua, Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm đến quyền vui chơi và sự tham gia của trẻ em. Thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, mọi tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc thực hiện quyền cơ bản của trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ em; kỹ năng xây dựng, tham mưu kế hoạch thực hiện và các hoạt động khác về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em như: hội thi, diễn đàn, hội diễn văn nghệ, câu lạc bộ... Xây dựng các điểm vui chơi có cơ chế quản lý, nâng cấp, đảm bảo phục vụ trẻ em có hiệu quả…Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được vui chơi, hòa nhập với cộng đồng, hưởng phúc lợi xã hội…
Bài, ảnh: Huế Thu