Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, có chữ ký của Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Thỏa thuận này nhằm đảm bảo một sự chấm dứt chiến sự trên bán đảo Triều Tiên cho đến khi đạt được hiệp ước hòa bình cuối cùng. Như vậy, 2 miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến chỉ mới kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Quan chức 2 miền Triều Tiên bắt tay sau cuộc đàn phán hồi tháng 8/2015. Ảnh: AP.

Bắc Triều Tiên cho biết sẽ mang lại "sự cải thiện đáng kể" trong tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ chịu hành động để thay thế thoả thuận đình chiến ở đó bằng một hiệp ước hòa bình.

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Ri Su Yong trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào hôm qua (1/10) không có nhiều bất ngờ và chứa rất ít những phát ngôn lạnh lùng mà quốc gia có vũ khí hạt nhân nhưng bị cô lập này thường sử dụng trong các bài phát biểu của mình với thế giới.

Ngoại trưởng Ri nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng, Bắc Triều Tiên sẵn sàng tổ chức đàm phán với các cuộc "đối thoại mang tính xây dựng" để ngăn chặn xung đột và đối đầu vũ trang với Hàn Quốc một khi Hoa Kỳ đồng ý tiến đến việc ký kết một hiệp ước hòa bình cuối cùng. Ngoại trưởng Ri cho rằng, đề nghị này là "sự lựa chọn tốt nhất mà chúng ta có thể có được."

Căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên đã leo thang vào cuối tháng 8 vừa qua do những căng thẳng xảy ra giữa 2 nước, sau vụ nổ mìn ở biên giới dọc theo khu phi quân sự (DMZ), khiến Bình Nhưỡng tuyên bố "tình trạng bán chiến tranh". Hai nước cuối cùng cũng xoa dịu những căng thẳng sau một loạt các cuộc đàm phán.

Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ Hàn Quốc trong cuộc đối đầu với miền Bắc. Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ-Hàn Quốc đã được tổ chức hàng năm kể từ năm 2011, bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng.

Bảo Nghi (lược dịch từ Sputnik và Usnews)