Ông Hồ Văn Thành

Để chuẩn bị cho Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, là một đảng viên, thủ trưởng đơn vị đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho nền giáo dục và đào tạo của tỉnh, ông có suy nghĩ gì về chiến lược giáo dục đào tạo của Thừa Thiên Huế?

Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 về đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường thực hiện với những giải pháp tích cực, và một số nội dung trọng tâm như: Tăng cường đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học công nghệ và khoa học giáo dục; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo.

Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhiệm kỳ qua, giáo dục và đào tạo tỉnh nhà có những bước tiến vượt bậc kể cả quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực như dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020. Trước hết là chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên rõ rệt, điều này được thể hiện qua số liệu học sinh tốt nghiệp phổ thông (đạt gần 99%/năm), thi đỗ các trường đại học, cao đẳng (đạt khoảng 60%/năm), đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ngày càng nhiều… Bên cạnh đó, giáo dục đại học ngày càng khẳng định là một trong những trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, y dược và sư phạm.

Theo ông, cần có những điều chỉnh, bổ sung nào để văn kiện đại hội sát với thực tế giáo dục và đào tạo của địa phương và xu hương phát triển chung của giáo dục và đào tạo thời đại?

Trong chiến lược phát triển giáo dục đại học hiện nay của tỉnh nhà, chúng ta đang còn thiếu mô hình trường đại học, cao đẳng quốc tế chuyên sâu nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu cũng như khu vực Asean. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của giáo dục đại học tỉnh nhà. Tôi rất phấn khởi khi nội dung này đã được đưa vào phương hướng nhiệm vụ thời kỳ 2015-2020 của văn kiện dự thảo. Trong giáo dục phổ thông, từ những giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ của giáo viên theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, từ đó sớm quy chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, để học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học có thể vững vàng học tiếp đại học, cao đẳng chuyên sâu hoặc học nghề, tạo điều kiện cho học sinh có thể làm việc, giao tiếp trong thị trường lao động có nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới tham gia.

Xin cám ơn ông.

Hương Giang (thực hiện)