Không ngại khó khăn...

Đội viên Ngô Thị Hiền, công chức phụ trách mảng địa chính – xây dựng của UBND xã Quảng Lợi (Quảng Điền) tâm sự: “Nhà em cách nơi làm việc khoảng 8 km. Khi trời mưa gió đi làm rất vất vả, nhưng em luôn cố gắng để không trễ giờ làm việc. Trong công việc, em cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để xử lý công việc được tốt hơn”. 

Các đội viên Đề án 500 tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh niên 2015

Đội viên Trần Thị Thùy, công chức tư pháp – hộ tịch ở UBND xã Quảng An (Quảng Điền), cho biết: “Chúng em được hưởng chế độ chính sách theo đúng như quy định mà đội viên Đề án 500 được hưởng nên rất yên tâm khi công tác. Vấn đề em quan tâm nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác mình được giao”.

Nhận xét về đội viên Trần Thị Tuyến, công chức phụ trách mảng văn hóa - xã hội ở UBND xã Quảng Thành, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Tuyến là một công chức năng nổ, nhiệt tình trong công việc. Công tác ở bộ phận “một cửa”, Tuyến luôn lịch sự, chu đáo và hướng dẫn nhiệt tình cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch các thủ tục hành chính”.

Ông Nguyễn Tri, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ, cho biết: “Tổng hợp báo cáo đánh giá của UBND các xã có đội viên Đề án 500 về công tác, chúng tôi nhận thấy các đội viên đều làm tốt công việc được giao nên được cơ quan và mọi người đánh giá cao. Nhiều đội viên công tác ở lĩnh vực địa chính – môi trường đã làm tốt công việc của mình như tham mưu cho UBND xã xây dựng dự án thu gom rác thải, xử lý tốt vấn đề đo đạc địa giới hành chính. Hiện nay, tỉnh đang triển khai Dự án hoàn thiện hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính, tôi tin các đội viên Đề án 500 sẽ góp phần tích cực trong việc thực hiện dự án này”.

Cần học hỏi kinh nghiệm

Theo Đề án 500, đến năm 2015 toàn quốc sẽ tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi. thời gian công tác tối thiểu là 5 năm. Nếu đội viên tự ý bỏ việc khi chưa đủ thời gian làm việc thì phải bồi thường cho Nhà nước kinh phí hỗ trợ ban đầu, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và các chi phí quản lý khác có liên quan. Đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cơ quan có thẩm quyền xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên dựa vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đội viên còn được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào hệ đào tạo sau đại học, được chính quyền địa phương ưu tiên sắp xếp, ổn định công việc, điều kiện về chỗ ở và các khoản hỗ trợ khác.

Thừa Thiên Huế có 31 trí thức trẻ là đội viên Đề án 500 về nhận nhiệm sở tại 31 xã bãi ngang, thuộc các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc. Các đội viên Đề án 500 đã về công tác được 6 tháng. Khi về địa phương được bố trí các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trước khi nhận nhiệm vụ các đội viên Đề án 500 trong tỉnh đều được đào tạo bài bản nên có trình chuyên môn vững vàng. Khó khăn của các đội viên chính là kinh nghiệm công tác và sự bỡ ngỡ khi tiếp xúc với môi trường mới. Do vậy, ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn, các đội viên Đề án 500 phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những cán bộ, công chức trong cơ quan, cố gắng bám sát cơ sở để có thêm kinh nghiệm thực tế.

Giải quyết những khó khăn mà các đội viên Đề án 500 đang gặp phải, chính quyền địa phương nơi các đội viên về công tác không chỉ quan tâm giúp đỡ về mặt tinh thần mà còn đã tạo mọi điều kiện tối đa để các đội viên hoàn thành công việc được giao. 

Bài, ảnh: HÀO VŨ