Dạo quanh thành phố Huế, đến quán đầu cầu Gia Hội hoặc quán Âm Phủ 2, nằm trong kiệt thuộc đường Nguyễn Thái Học, bạn có thể như ý với món giấm nuốc Huế. Hạ về dưới tàn bông giấy lung linh “nắng thủy tinh” những “con nuốc” mọng nước sẽ làm bạn “mát rượi”. Gọi tô giấm nuốc, thấy mát lòng, ngon miệng.

Món giấm nuốc cũng dễ làm, hai ngày nghỉ cuối tuần bạn có thể làm để cả nhà dùng, nguyên liệu từ nuốc chân màu xanh nước biển, có những chân nhỏ, tôm rằn, cua gạch, khoảng mười lăm con cá thệ nấu canh với thơm, bắp chuối sứ, rau thơm, bánh tráng gạo, đậu phộng rang vàng tách đôi, ruốc loại ngon hòa một ít nước nóng, vả, chuối chát thái mỏng, xà lách, tùy theo số người ăn để mua sắm cho vừa.
Chọn con nuốc tươi, tôm rằn, bóc vỏ bắt cầu, cua hấp lấy thịt, một ít thịt ba chỉ , cà chua bi bỏ hột, ướp gia vị (bột knoor, nước mắm, mì chính, tiêu, hành củ um chung) có thể gọi là tôm cua đánh., cá thệ nấu canh thơm. Tiếp theo, bạn chuẩn bị cho bún, bắp chuối, rau thơm, giá, ngò vào tô, thứ đến chan nước tôm, cua và một ít nước canh cá thệ vào tô, sau cùng cho nuốc phủ trên mặt. Nhớ bóp bánh tráng, cùng vài lát chuối chát, vả và một ít đậu phộng trên mặt. Bạn nhớ kèm theo chén nước mắm, vài trái ớt xanh, chén ruốc để chiều người thích mặn nhé.
Trưa nắng nhìn tô bún giấm nuốc là đã thích ăn rồi. Khi đã ăn vài nhúm thì “như cá bắt mồi”, miệng đang nhai mà tay cứ gắp như đã “lập trình”. Món giấm nuốc của người Huế từng làm “day dứt” của những người Huế xa quê. Khi Huế vào hạ, có gia đình tìm cách gửi nuốc vào nam ra bắc để con cháu làm món giấm nuốc, vừa thưởng thức món ăn truyền thống vừa nhớ gió sông Hương, nhớ chợ Đông Ba và nhớ những con đường tràn ngập nhạc ve của Huế.
Hà My