Một trong những loài cây cảnh quan đô thị thân cột thuộc họ Cau (Arecaceae) hiện hữu lâu đời ở nhiều tỉnh thành nước ta là Cọ Tàu. Tên gọi này có lẽ bắt nguồn từ khi nhà khoa học người Áo Nicolaus Joseph Von Jacquin phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc và công bố dưới tên khoa học Latania chinensis Jacq (1801). Về sau nhà khoa học người Anh Robert Brown cùng nhà khoa học người Đức Karl Friedrich Philipp Von Martius công bố lại dưới tên Livistona chinensis (Jacq.) R.Br ex Mart (1838); trong đó có tính ngữ “chinensis” có nghĩa là ở Trung Quốc. Và có lẽ cũng vì thế mà nó được thế giới biết dưới tên tiếng Anh là Chinese fan palm (Cọ quạt Trung Quốc) hoặc Chinese fountain palm (Cọ vòi phun Trung Quốc), trong lúc đó ở Trung Quốc nó được gọi là Bồ Quì.


Cọ Tàu vốn là một loài cây rừng thuộc loại cây gỗ thứ sinh, thường xanh, chiều cao cây trưởng thành biến động từ 3-25 m tùy điều kiện sống. Khi mọc tự nhiên ở môi trường thích hợp cây có chiều cao trung bình khoảng 15 m trở lên, trong lúc cây được trồng trong các công viên, trên các vỉa hè đường phố… do điều kiện đất kém dinh dưỡng, ít được chăm bón, cây thường chỉ cao khoảng 5-7 m. Thân cây có dạng hình trụ tròn đường kính khoảng 20-30 cm, mang nhiều lá tập trung ở đỉnh, những lá già mọc xụ hướng đất, những lá bánh tẻ mọc chếch và chếch ngang, những lá non mọc thẳng đứng, tất cả kết thành một vòm tán hình cầu, trông tựa như một vòi nước đang phun tỏa theo mọi hướng. Lá có cuống dài 40-50 cm, có gai dài 1-3 cm, mang một phiến hình quạt mù lục tươi, xẻ thành nhiều tia dài 50-80 cm. Hoa tự (phát hoa) dạng chùm tụ tán; mang hoa lưỡng tính, mẫu ba (6 nhị, bầu noãn 3 buồng). Quả tròn dài, to 11-13 mm, màu xanh lam đậm lúc chín.
Cọ Tàu là cây ưa sáng toàn phần, nhưng lúc còn nhỏ thì thích che bóng nhẹ. Cây thích đất ẩm nhưng thoát nước tốt, lúc còn non trẻ cần đủ nước để sinh trưởng bình thường, cần tưới nước trong những ngày nắng nóng, khô hạn, nhưng khi trưởng thành có khả năng chịu hạn tốt nhiều tháng trong năm. Cây thích đất màu mỡ nhất là khi chưa đến độ thành thục, nhưng cũng chịu được đất kiềm dinh dưỡng thấp. Khi cần hạn chế chiều cao cho cây, ngoài việc chọn trồng ở khoảng không gian có độ chiếu sáng toàn phần, hạn chế bón phân, người ta có thể chọn giống thấp cây. Giống thấp cây thường được nhiều nơi trên thế giới chọn khá phổ biến là Livistona chinensis subglobosa
Cây có nguồn gốc ở Nam Trung Quốc, Nam Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam, được trồng rộng rãi ở nhiều vùng á nhiệt đới và nhiệt đới từ châu Á đến châu Mỹ và ở nhiều đảo biển. Tác dụng chủ yếu của cây là tôn tạo cảnh quan, được nhân giống bằng hạt và trồng làm cảnh ở các không gian đô thị khác nhau. Cây được trồng đơn độc để tạo nét chấm phá các công trình; trồng thành cụm 3-5 cây hoặc thành đường vòng cung nhỏ để trang trí công viên, các khu chung cư mở; trồng thành hàng liên tục hoặc từng dải đứt đoạn trên các vỉa hè đường phố, dải phân cách, bờ sông. Ở một vài vùng có cây Cọ Tàu mọc tự nhiên, người dân bản xứ còn lấy lá để lợp nhà.
Ở nhiều tỉnh thành nước ta, Cọ Tàu là một trong những loài thân cột được chọn trồng làm cảnh, tôn tạo vẻ mỹ quan cho nhiều không gian xanh đô thị, thường gặp nhất là ở các công viên, khu văn hóa, các biệt thự...
Theo tôi, khi một công trình cần trồng chấm phá hoặc tạo dải, tạo cụm bằng cây thân cột thì Cọ Tàu là một trong những loài cây bản địa nên xem xét để đưa vào danh mục chọn lựa. Như thế vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa giữ được bàn sắc văn hóa dân tộc hơn là chọn các loài Cau vua, Cọ Dầu như cao trào hiện nay.  
Ở Huế, có thể tìm gặp Cọ Tàu cổ thụ ở một số công viên (Thương Bạc, Phú Xuân…), khuôn viên công sở, trường học... Thời gian gần đây, Trung tâm Công viên Cây xanh cũng đã phát triển khá rộng loài này trong nhiều công viên của thành phố Huế.
Đỗ Xuân Cẩm