Các giống lúa năng suất cao được đưa vào sản xuất như: TH5, TH1, nếp IR…

 

Đến nay, toàn xã có hơn 20 gia trại theo mô hình VACR, trong đó có 5 mô hình thu nhập trên 200 triệu đồng; đàn bò chất lượng cao 413 con, 1200 con lợn nái F1; 4000 lợn thịt; đàn gia cầm có hơn 45000 con.

Tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, trong đó, 600 ha đất trồng lúa (mỗi năm 2 vụ), 250 ha đất trồng lạc, 100 ha đất trồng sắn, nhưng năng suất và hiệu quả sản xuất ở Phong Sơn chưa cao. Mới đây, chính quyền vận động người dân đưa các giống mới có thương hiệu vào gieo trồng, như nhóm lúa: TH5, TH1, HN6, nếp IR, khang dân nguyên chủng, đưa lại năng suất cao và ổn định (đạt 60 tạ/ha, tăng 15 tạ/ha so với các giống lúa cũ). Nổi bật là hiệu quả từ việc chuyển đổi 250 ha trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại hoa màu như sắn và lạc. Các giống lạc năng suất cao được đưa vào sản xuất như: L14, TK10 (năng suất 24 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha); sắn Km94 (năng suất 25 tạ /ha, tăng 10 tạ /ha). Các giống mới không chỉ cho năng suất cao mà chất lượng sản phẩm cũng được đánh giá rất tốt, có thể chống chịu điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và các dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Bé (thôn Phổ Lại) cho biết: Gia đình chị canh tác 5 sào sắn, và 3 sào lạc, từ khi đưa các giống mới vào sản xuất không những năng suất tăng cao mà bán được giá vì lạc và sắn luôn được đảm bảo chất lượng.
Ông Võ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn khẳng định: Thực tế cho thấy hiệu quả từ trồng lạc và sắn mang lại lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Hiện toàn xã Phong Sơn có khoảng hơn 350 ha đất sản xuất được người dân thâm canh trồng hoa màu. Ngoài ra, các mô hình trồng ném, kiệu và cải tạo vườn tạp cũng đưa lại hiệu quả tương đối cao. Người dân kết hợp chăm sóc khai thác hơn 1000 ha rừng và 175 ha cao su lấy mủ, với hiệu quả kinh tế trên 70 triệu/ha, đồng thời, tiến tới cấp chứng chỉ trồng rừng cho các hộ gia đình. Đây cũng là một trong những bước đi đầu tiên trong kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững mà Phong Sơn đang hướng tới.
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ phát triển mô hình chăn nuôi gia trại theo hướng công nghiệp. Nhiều mô hình chăn nuôi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Như mô hình nuôi gà công nghiệp của ông Lê Bão thôn Tứ Chánh; mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Sản thôn Thanh Tân.
Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng được chính quyền xã Phong Sơn quan tâm, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh mở rộng, phát triển sản xuất theo hướng quy hoạch điểm tiểu thủ công nghiệp.
Nhờ những giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế-xã hội và hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nên đời sống người dân xã Phong Sơn tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người từ 16 triệu đồng/người/năm (2011) tăng lên 23 triệu đồng/người/năm (2014). Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 7,14% ( năm 2011 là 12 %), phấn đấu đến năm 2016 còn dưới 5%.
Những kết quả đó đã làm cho bộ mặt nông thôn toàn xã khởi sắc, đời sống vật chất và văn hóa trong nông thôn được nâng cao, tạo động lực to lớn cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại địa phương.
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo