Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với bà xung quanh tác phẩm thứ ba của bà, sau Những trang viết của một nữ doanh nhân và Đừng say điệu nhảy.

Thưa bà, có thể nói về điều này không, rằng bà đã thực hiện “Thư Chủ gởi Tớ” trong trạng thái như thế nào?

Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu, vì cán bộ là gốc của công việc, là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”. Như vậy chúng ta thống nhất với nhau: Nhân dân là chủ, chủ doanh nghiệp cũng là chủ!

Đã có con số thống kê rằng, từ 1975 đến 1987, kinh tế Việt Nam chỉ có hai thành phần: quốc doanh và hợp tác xã. Trong 12 năm này, tỷ lệ tăng trưởng bằng 0. Từ sau 1986, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng mở ra cho nhiều thành phần tham gia làm kinh tế. Từ năm 1998 - 2008 tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam nhanh chóng mặt, chỉ đứng sau Trung Quốc. Đội ngũ nào tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ đó? Xin thưa, đó là đội ngũ doanh nhân tư nhân! Từ 2008 đến nay, sự tăng trưởng có, nhưng chậm. Sự chậm này tỷ lệ thuận với sự “bốc hơi” của doanh nghiệp tư nhân (số doanh nghiệp tư nhân giải thể trong quý I/2015 là 2.565).

Tại Hội nghị kinh tế mùa Xuân 2015, TS Lê Đăng Doanh công bố một chỉ số đau lòng: doanh nghiệp tư nhân muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận thì phải trả từ 0,7 đến 1 đồng chi phí không chính thức.

Mùa hè 2015, VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) công bố nghiên cứu mới, nếu doanh nghiệp tư nhân giảm được số tiền trả cho các khoản chi không chính thức thì, khi giảm 1% chi phí đầu tư tư nhân tăng 6,4%, việc làm tăng 1,8% và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%.

Mùa thu 2015, VCCI lại công bố kết quả khảo sát cho thấy, 70% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh không lãi, trong khi khu vực này đang đóng góp 50% GDP và tạo ra 90% việc làm mới hằng năm.

Tất cả những điều đó nói lên, khi đội ngũ doanh nhân tư nhân ăn nên làm ra, kinh tế Việt Nam phát triển. Khi đội ngũ doanh nhân tư nhân lận đận lao đao, kinh tế Việt Nam suy thoái.

Nóng ruột trước tình hình thoi thóp của giới chủ doanh nghiệp tư nhân, tôi liền viết thư gởi Tớ. Trong thư có nội dung: “Tớ ơi, với thực trạng kinh tế chưa mấy sáng sủa như hiện nay, chúng ta hãy sớm bắt tay nhau quyết tâm rút ngắn khoảng cách lạc hậu và tụt hậu của đất nước mình. Nghĩa là từ nay Chủ và Tớ hãy “ngồi cùng thuyền”, sống cùng sống, chết cùng chết vì sự giàu sang của Chủ, ấm no của Tớ và sự thịnh vượng của đất nước chúng ta. Kính mong Tớ hiểu tấm lòng thành của những người Chủ đất nước này, trong đó có Chủ doanh nghiệp”

Thật khó để hỏi tác giả của “Thư Chủ gởi Tớ” về điều gì làm bà hài lòng và chưa hài lòng qua gần 600 trang sách này. Và, “phân khúc” nào mà bà đã dành thời gian và tâm lực nhiều nhất?

Nếu tác giả nào hài lòng về điều mình viết thì đó là đường biểu diễn của sự đi ngang hoặc đi xuống trong sự nghiệp cầm bút của mình. Nhưng, nếu người cầm viết biết dừng lại khi vốn tri thức đã cạn, vốn sống nghèo nàn, thì đó là người có dũng và có trí. Những bài viết của tôi, nếu đem ra in hết có đến hơn 2.000 trang. Tôi đã thiền thật lâu trước khi quyết định bài nào được ra mắt độc giả trong “Thư Chủ gởi Tớ”, bài nào cất lại để chỉ đọc một mình.

Tôi, 40 năm ngụp lặn trong thị trường bất động sản đủ để thấy mọi góc sáng và khuất của thị trường này. Vì vậy, viết về kinh tế bất động sản là sở trường của tôi. Tôi thường viết để mong lãnh đạo Nhà nước hiểu, thị trường bất động sản là xương sống của nền kinh tế: khi nó hưng, kinh tế thịnh; khi nó suy, kinh tế sụp. Thực tế cho thấy, để xây dựng thành công một dự án nhà ở, có đến 200 thị trường ăn theo: thị trường vốn, lao động, vật liệu xây dựng, kiến trúc, xây dựng, đã đành; lại còn cả thị trường điện tử, công nghệ thông tin, gốm sứ, màn cửa, tranh ảnh, thảm chiếu, mền gối drap nệm, cây kiểng, ánh sáng, giáo dục, y tế, chợ, siêu thị… nhờ vào thị trường bất động sản mà sôi động phát triển. Vì vậy, lãnh đạo phải nâng niu và nuôi dưỡng cho thị trường này luôn lành mạnh, khởi sắc. Bằng cách nào? Thưa, bằng luật pháp nghiêm minh, bằng chính sách nghiêm túc, bằng tiền tệ minh bạch, bằng thủ tục hành chính gọn nhẹ và bằng bộ máy hành chính công tâm, chuyên nghiệp.

Có lẽ đó cũng là điều đương nhiên khi nhiều người rất thích những phân tích của bà về thị trường bất động sản. Điều mà bà “có” và “không có”, sau ngần ấy năm gắn bó với lĩnh vực này là gì?

Điều mà tôi “có” là đã rút ruột mình ra viết, đưa tận tay cho nhiều lãnh đạo cấp cao, và đã nhận được nhiều thư cám ơn của những vị này, rồi thôi. Điều tôi “không có” là: Nếu đất Quận 2 và Quận 9 của TP Hồ Chí Minh được quy hoạch thành “Phố Đông Sài Gòn”để giãn dân nội thành ra ngoại thành từ những năm 2007 thì, TP Hồ Chí Minh sẽ không kẹt xe, ngập lụt, thiếu điện, thiếu nước, thiếu bệnh viện, thiếu trường học… như bây giờ.

Và nếu, bài “Câu chuyện kinh tế vùng” trở thành hiện thực thì kinh tế, giáo dục và việc làm của người dân Đồng bằng sông Cửu Long không trở thành nỗi bận tâm của xã hội như hiện nay. Hơn nữa là, nếu xây dựng thành công vùng tứ giác: TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Đồng bằng sông Cửu Long (như bài viết) thì kinh tế phía Nam luôn giữ vị trí đầu tàu cả nước.

Nếu và nếu...

Bây giờ tôi đã bình thản hơn vì hiểu, vận nước cũng có nhân-duyên. Triết lý Phật dạy tôi chữ “nhẫn”, áp dụng trong hoàn cảnh này là “muốn nhanh phải biết chấp nhận từ từ. Triết học phương Tây thì gọi là “lượng đổi, chất đổi”.

Và đó có phải là lý do của sự quay về, với văn hoá, với tâm linh và cả với Huế - nơi mà bà đang gắn bó?

Trong quay về có bước đi, trong bước đi có quay về; đó là hoàn cảnh của tôi hiện nay. Tôi ung dung bước đi trên đường đời và quay về với bản tánh an nhiên sẵn có của mình. Huế là vùng đất rất hợp với những người chuộng cuộc sống giàu tinh thần, đẹp tâm hồn, an thân xác; tôi chọn Huế là vì vậy. Tôi là người thích tăng chỉ số hạnh phúc (HPI) hơn là tăng chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Huế chọn tôi là vì vậy.

Những dự định tiếp theo của bà, sau “Thư Chủ gởi Tớ”?

Câu hỏi này xin phép nhường cho độc giả “Thư Chủ gởi Tớ”. Biết đâu sau khi đọc quyển sách này nhiều độc giả phản hồi: “Tác giả nghỉ viết được rồi vì, viết tệ quá”. Còn những hoạt động phụng sự xã hội, trách nhiệm của doanh nhân APEC, tương lai sẽ “nói” giúp tôi.

Cảm ơn bà về những chia sẻ này.
Nguyễn Sông Hương (thực hiện)