Nhân đạo và chia sẻ

Bắt đầu từ ngày 1/1/2010 học sinh tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc. Khi tham gia BHYT, học sinh hưởng những quyền lợi được Luật BHYT quy định, như khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế, đặc biệt học sinh, sinh viên được chăm sóc sức khoẻ ban đầu ngay tại y tế trường học và được khám thăm dò một số bệnh mà Bộ Y tế  quy định. Không may bị tai nạn và bệnh tật phải sử dụng điều trị kỹ thuật cao, học sinh được quỹ BHYT chi trả 80%.

Việc nhà trường đứng ra tổ chức thu tiền BHYT học sinh và triển khai công tác y tế trường học là sự phối hợp từ liên Bộ Y tế và Giáo dục Đào tạo. Gia đình, phụ huynh có trách nhiệm tham gia đóng góp nguồn kinh phí vào quỹ BHYT để đảm bảo sức khỏe cho con em, đồng thời góp phần đảm bảo sức khỏe cho cả cộng đồng. Xã hội có trách nhiệm bảo đảm nguồn thu đó để dành cho việc khám, chữa bệnh, đầu tư cho cơ sở và nơi khám chữa bệnh ban đầu tại nhà trường. Đặc biệt, giúp những em có bệnh nan y được hỗ trợ trong điều trị.

Nhiều năm nay, ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế thực hiện việc phối hợp thu BHYT và không để xảy ra những bất cập đáng tiếc nào. Tuy nhiên, năm học 2015-2016, việc thu BHYT một lượt 15 tháng đã tạo nên những phản ứng trong phụ huynh về các khoản thu của giáo dục đầu năm. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Thừa Thiên Huế và với sự lắng nghe, BHYT đã có phản hồi. Việc thu BHYT 15 tháng đã được rút xuống theo nhiều mức như 3 tháng (hết năm 2015), 6 tháng đến 9 tháng tùy theo điều kiện của phụ huynh. Tuy nhiên, với Thừa Thiên Huế động thái này là đã quá muộn vì các trường đều đã cơ bản hoàn thành các khoản thu, trong đó có thu hộ BHYT.

Chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh với chỉ một câu hỏi “Anh chị có muốn nhận lại khoản tiền đã đóng để chờ đúng hạn (3 đến 6 tháng nữa) nộp lại không. Câu trả lời khá đồng nhất, đó là KHÔNG. Lý giải, với những phụ huynh có điều kiện, khoản tiền này không quá lớn để họ phải phân vân. Với các bậc phụ huynh phải vay mượn để nộp thì cũng coi như chuyện đã rồi. Chị T.V, thợ uốn tóc từng than thở về đóng góp của hai con đã khiến chị đi vay nóng cũng chỉ là tiếng thở dài: “Thôi kệ vậy chị ơi, coi như xong một khoản. Nhưng giá mà nộp gộp, em đã không phải bốc hụi non. Chừ ngày nào mưa bão là lại lo, không có tiền nộp hụi. Nhưng lấy về cũng không giải quyết được chi, lỡ tiêu mất lại càng khổ.” Trên thực tế, nhiều trường cũng lập lờ, không công khai thông báo quy định mới về nộp BHYT. Nhiều trường đã trao thẻ BHYT đến hết 2016 cho học sinh.

Sung sướng chi… thu hộ

Nhiều năm trước, việc thu tiền đầu năm gồm cả khoản thu bảo hiểm đều giao giáo viên chủ nhiệm. Nhưng những năm gần đây, do dư luận lên tiếng, các trường lập tổ thu. Trừ những ngày cao điểm các trường tăng cường nhân viên trường học, còn lại, trách nhiệm thu chủ yếu là kế toán và thủ quỹ. Với khoản BHYT, theo quy định, bên bảo hiểm sẽ trích lại 3% thực thu cho trường. Số tiền này được chia cho những người trực tiếp thu và BGH. Một nhân viên trường học khi nghe chúng tôi hỏi về khoản hoa hồng này thốt lên: “Ăn cám trả vàng chị ơi. Những nhân viên trực tiếp thu, nếu có sai sót như lập danh sách sót tên học sinh mà chính học sinh ấy bị đau ốm thì phải tự bỏ tiền túi ra bồi thường. Mọi năm đây là một quy định không thành văn, nhưng năm nay ngành bảo hiểm còn bắt chúng tôi làm cam kết. Lỡ sai sót, học sinh đau ốm nặng, số tiền bồi thường nhiều gấp mấy lần mình được nhận”.

Một trong những lý do ngành bảo hiểm và nhà trường dễ dàng “nhất trí” thu gộp bảo hiểm còn là do năm tài chính 2015 chỉ còn 3 tháng. Như vậy, dịp Tết Tây lại phải tổ chức thu một lần nữa cho đến hết năm học, sau đó là nghỉ hè. Thời gian hè nói về giá trị bảo hiểm thì sự cần thiết vẫn vậy, nhưng trên thực tế, rất ít bậc cha mẹ “chịu nộp” khoản tiền này nên rất dễ dẫn đến việc thất thu BHYT trong hè.

Bài, ảnh: Hương Giang