Sinh viên Khoa Thuỷ sản thực tập trong phòng thí nghiệm

TS.Lê Văn Dân, Trưởng khoa Thuỷ sản, Trường đại học Nông lâm Huế cho biết, điển hình trong các công trình nghiên cứu của cán bộ, giảng viên khoa là các kết quả nghiên cứu về hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo tôm rằn, cá dầy, cá lăng nha, cá lóc môi trề, cá rô phi, cá trê lai,... Nghiên cứu sử dụng steroids kích thích sinh sản nhân tạo cho cá đã tạo ra nhiều đàn giống nhân tạo các loại thuỷ sản đặc hữu tại địa phương nhằm đa dạng hoá các đối tượng nuôi, góp phần phát triển nghề nuôi thuỷ sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh khu vực miền Trung nói chung.

Trong 20 năm qua, Khoa Thuỷ sản, Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện hàng trăm đề tài cấp trường, cấp Đại học Huế, hàng chục đề tài nghiên cứu cấp tỉnh và triển khai nghiên cứu thành công hơn 10 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp Nhà nước độc lập. Nhiều cán bộ của khoa đã được Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đạt các giải thưởng trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại Hội thi Khoa học công nghệ tỉnh và cấp quốc gia, Bằng lao động sáng tạo của Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều giải thưởng khác. Khoa Thuỷ sản đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thuỷ sản của tỉnh.

Một trong những nghiên cứu khoa học nổi bật và là sản phẩm quảng bá tốt về chất lượng nghiên cứu khoa học của khoa nói riêng và của trường nói chung là sản phẩm bokashi trầu. Từ những thành công từ nghiên cứu cơ bản về các ứng dụng loại thảo dược trong nuôi trồng thuỷ sản, Khoa Thuỷ sản chủ trì thực hiện một đề tài sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước về Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Bokashi trầu ứng dụng cho vùng nuôi an toàn ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên Huế. Đề tài đã sản xuất và thương mại hoá sản phẩm bokashi trầu với hiệu quả phòng trị bệnh tốt cho tôm nuôi được sử dụng rộng rãi trong cả nước. Đặc biệt, nhãn hiệu bokashi đã được đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho nhãn hiệu hàng hoá độc quyền.

Mới đây, cán bộ giảng viên của khoa đã thành công trong việc hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo giống cá dìa và cá lăng nha. Từ đó có thể cung cấp được con giống quanh năm cho bà con nông dân, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nuôi cá dìa nói riêng và sản xuất giống cá biển nói chung tại Thừa Thiên Huế và Việt Nam.

Cán bộ giảng viên của khoa cũng đã chủ động tìm các nguồn kinh phí từ trong nước và hợp tác quốc tế để triển khai các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao và đã có nhiều dự án chuyển giao khoa học công nghệ các tỉnh trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. “Các nghiên cứu đã tập trung vào những vấn đề thực tiễn trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm khoa học cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực và được ứng dụng rộng rãi trong nghề nuôi trồng thuỷ sản của cả nước, góp phần tích cực cho phát triển thuỷ sản không những ở miền Trung mà trong cả nước”, TS.Lê Văn Dân khẳng định.

Cùng với các hoạt động nghiên cứu khoa học, khoa đã tham gia hướng dẫn và tư vấn cho phát triển thủy sản ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau. Khoa đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thủy sản, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghiên cứu bệnh thuỷ sản, quy hoạch vùng nuôi và sản xuất nông - lâm - thủy sản, phát triển nông thôn, các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Khoa Thuỷ sản đang thực hiện các dự án, đề tài hợp tác với Trường đại học Nippon (Nhật Bản); Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ); Đại học Wageningen (Hà Lan); Viện Nghiên cứu Thuỷ sản I, III; Viện Hải dương học (Nha Trang);... Từ năm 2011, khoa đã có sự hợp tác chặt chẽ và nhận được tài trợ từ chương trình VLIR của Bỉ trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2015, khoa xúc tiến hợp tác với Đại học Ghent (Bỉ) và Đại học Ryukyus (Nhật Bản) để nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản cá dìa và nghiên cứu đặc điểm sinh học các loài cá nước ngọt tại Việt Nam. Khoa còn hợp tác với các công ty của nước ngoài để triển khai các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao.

Với các kết quả nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng viên Khoa Thuỷ sản đã xuất bản gần 500 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí trong nước, gần 100 bài báo khoa học công bố trên nhiều tạp chí uy tín nước ngoài. Ngoài ra, khoa đã xuất bản được 15 giáo trình và hàng chục cuốn tài liệu tham khảo về nuôi trồng thuỷ sản phục vụ cho quá trình đào tạo.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, đẩy mạnh xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, đề tài dự án của địa phương, quốc gia nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển ngành thuỷ sản của tỉnh nhà và khu vực”.

Bài, ảnh: THANH VÂN