Theo đó, khu vực lập quy hoạch có diện tích khoảng 219 ha ở phía Tây Nam thành phố Huế, thuộc địa giới hành chính phường Thủy Xuân, phường Thủy Biều – thành phố Huế và xã Thủy Bằng – thị xã Hương Thủy (phía Đông giáp ruộng lúa và khu vực dân cư phường Thuỷ Xuân; phía Tây giáp sông Hương; phía Nam giáp đường Quốc lộ 49A và khu vực ruộng lúa thuộc xã Thuỷ Bằng, thị xã Hương Thuỷ; phía Bắc giáp đường Lê Ngô Cát hiện trạng và đoạn dự kiến nối dài về phía phường Thủy Biều).

Về giải pháp tổ chức không gian, quy hoạch kiến trúc của Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận có các phân khu với chức năng chủ yếu sau:
Các khu vực lăng tẩm bảo tồn (lăng Tự Đức, Đồng Khánh...) phải tuân thủ theo các quy định về khoanh vùng bảo vệ di tích; tạo dựng các vùng đệm bằng hệ thống cây xanh, vùng sinh thái nông nghiệp.
Khu vực núi Bàu Hồ: Phần đất ven sông Hương khoanh vùng, không mở rộng phạm vi khu vực chôn cất, từng bước di dời nghĩa địa, dành quỹ đất dự kiến xây dựng các điểm ngắm cảnh, thư giãn, du lịch sinh thái, sinh hoạt cộng đồng, cây xanh cảnh quan... (dạng quỹ đất sử dụng hỗn hợp) cũng như đất cho các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (mở rộng nhà máy nước Vạn Niên). Phần đất phía Bắc núi bố trí các khu dịch vụ, du lịch sinh thái có mật độ xây dựng thấp, khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống mang nét đặc trưng Huế;
Khu vực đồi Vọng Cảnh trở thành khu công viên phục vụ các hoạt động như đi dạo, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, kết hợp làm điểm dừng lí tưởng cho các chuyến du lịch đường bộ cũng như đường thủy dọc sông Hương. Tại đây cũng có thể tổ chức các hoạt động cắm trại, sáng tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa... Công trình kiến trúc xây dựng tại khu vực này chủ yếu là các chòi nghỉ, chòi ngắm cảnh trên các điểm nghỉ, điểm dừng và các công trình kiến trúc trang trí nhỏ mang tính sinh thái.
Ngoài ra, phía Bắc núi Bàu Hồ dự kiến bố trí các dự án làng du lịch. Phía Đông Bắc đồi Vọng Cảnh tổ chức bãi đỗ xe tập trung kết hợp khai thác dịch vụ quy mô nhỏ. Xung quanh khu vực lăng tẩm tổ chức cây xanh vùng đệm bảo vệ di tích. Dọc hai bờ sông Hương, khe Bối, các khe tụ thủy, xung quanh các hồ nước tổ chức trồng cây xanh tạo cảnh quan và các khu dân cư dọc đường: Lê Ngô Cát, Huyền Trân Công Chúa, Đoàn Nhữ Hài, phía Nam đồi Vọng Cảnh, phía Đông khu vực quy hoạch và phía Nam khu vực quy hoạch thuộc xã Thuỷ Bằng.
Quy hoạch nêu rõ, việc xây dựng công trình trong khu vực đảm bảo hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới hệ thống di tích, không che chắn tầm nhìn từ đồi Vọng Cảnh và núi Bàu Hồ tới sông Hương. Tổ chức không gian kiến trúc có hệ thống cây xanh; hệ thống điểm nhìn; hệ thống đường dạo, chòi nghỉ; hệ thống nhà vệ sinh công cộng...; ưu tiên các tuyến đường liên khu vực kết nối các điểm tham quan như: đường Huyền Trân Công Chúa, đường Đoàn Nhữ Hài...; mở rộng một số đường kiệt hiện có để thuận tiện cho việc khai thác du lịch cảnh quan với loại hình nhà vườn ven sông và khai thác các dịch vụ trên cơ sở phát huy thế mạnh về đặc sản trái cây vườn Huế…
Lương Trà