Mặc dù Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, chưa thể công bố chi tiết các điều khoản, cam kết trong hiệp định do các nước thành viên còn hoàn tất khâu dịch thuật, rà soát pháp lý tại nước mình trong cuộc gặp mặt báo chí ngay sau khi trở về từ Mỹ và dự kiến, thời điểm công bố chi tiết sẽ được ấn định chung cho cả 12 thành viên, ngay nửa đầu tháng này, nhưng tại Chương 19 – chương Lao động - của văn bản TPP tóm tắt trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương (http://www.moit.gov.vn) - những vấn đề cơ bản về lao động và quyền của người lao động được thể hiện khá rõ với những quy định cụ thể, nhằm tạo ra một cơ chế hợp tác về các vấn đề về lao động, bao gồm cả các cơ hội để các bên đóng góp xác định phạm vi hợp tác và tham gia, nếu phù hợp và các thành viên cùng tham gia, trong các hoạt động hợp tác. Với các quy định này, bước chân vào TPP, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải duy trì các điều kiện lao động ở cùng tiêu chuẩn tối thiểu với các nước trong TPP, trong đó có các luật quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp... cho dù việc tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ xuất hiện khi thực hiện những quy định này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn nguồn tin từ một trang tin khá uy tín của Mỹ cho hay, Việt Nam đã nhất trí với Mỹ về kế hoạch triển khai thực hiện các bước để đáp ứng những đòi hỏi của Chương 19 và Mỹ sẽ gắn điều kiện dỡ bỏ thuế quan đối với việc thực hiện cam kết về lao động của Việt Nam.
Tất nhiên, việc thực hiện các cam kết, trong đó có các cam kết về lao động sẽ có lộ trình và thời gian, song cũng theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong trả lời phỏng vấn của The New York Time, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định, mặc dù khác về điều kiện lao động của Mỹ hay các quốc gia khác, nhưng Việt Nam tuân thủ các điều khoản của Tổ chức Lao động quốc tế và sẵn lòng đáp ứng được vấn đề lao động này.
Bình Nguyên