Theo đó, kể từ 01/1/2016 sẽ áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên cơ sở tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 và các phiên bản tiêu chuẩn tiếp theo của các tiêu chuẩn trên.

Đến cuối năm 2018, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên địa bàn tỉnh xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau; trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm 60% các phương thức truyền hình. Phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 95% dân cư. Đến hết năm 2020, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để phục vụ việc sản xuất chương trình.

Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, cùng với công tác tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tích cực tham gia thực hiện, sẽ tập trung khai thác thị trường và dịch vụ thúc đẩy việc sử dụng các phương thức truyền dẫn, phát sóng truyền hình khác để hoàn thành việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; tạo điều kiện triển khai hệ thống truyền hình cáp, truyền hình internet tại các đô thị, các khu dân cư trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; sắp xếp, tổ chức lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng của các đài phát thanh và truyền hình trên địa bàn tỉnh theo lộ trình số hóa, đầu tư hệ thống thiết bị sản xuất chương trình truyền hình theo công nghệ số, mua sắm đầu thu truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn quốc gia về truyền hình số và các tiêu chuẩn chuyên ngành…

Kinh phí dự kiến thực hiện đề án hơn 60 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn sự nghiệp, vốn hỗ trợ của Trung ương... để thực hiện dự án mua sắm hệ thống thiết bị sản xuất chương trình truyền hình.

Gia Bảo