Bắc Triều Tiên là một trong những "vấn đề cơ bản" mà Tổng thống Park và nhà đồng cấp Mỹ Obama sẽ thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày mai (16/10), bên cạnh những thảo luận về việc tăng cường liên minh song phương và hợp tác kinh tế, cũng như mở rộng hợp tác về các vấn đề toàn cầu, các quan chức cho biết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 7/5/2013. Ảnh: AFP.

"CHDCND Triều Tiên đương nhiên sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự. Chúng tôi sẽ tái khẳng định cam kết của mình đối với việc phi hạt nhân hóa một cách đầy đủ của CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên)," Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về các vấn đề châu Á Daniel Kritenbrink phát biểu trong một cuộc họp báo.

"Chúng tôi sẽ kêu gọi Bắc Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết của mình trong Tuyên bố chung tháng 9/2005 của các cuộc đàm phán sáu bên. Chúng tôi cũng sẽ kêu gọi Bắc Triều Tiên không thực hiện bất kỳ hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và leo thang căng thẳng", ông Kritenbrink nói thêm.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc cũng nhận định, "hai nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định sự phối hợp chặt chẽ của 2 bên trong việc đối đầu với miền Bắc, thảo luận về cách đối phó với những hành động khiêu khích chiến thuật của Bắc Triều Tiên và nối lại đối thoại quan trọng về phi hạt nhân hóa".

Bên cạnh đó, theo ông Kritenbrink, Tổng thống Obama cũng sẽ "mong muốn được nghe" từ Tổng thống Park về những diễn biến mới nhất trong mối quan hệ liên Triều và sẽ "thể hiện sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Tổng thống Park nhằm cải thiện quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên".

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các lĩnh vực khác như sức khỏe toàn cầu, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, năng lượng và hợp tác không gian.

Chuyến thăm của Tổng thống Park đến Washington – lần thứ 2 kể từ khi bà nhậm chức, diễn ra khoảng 1 tháng sau khi bà Park tới thăm Bắc Kinh và tham dự cuộc diễu hành quân sự của Trung Quốc, làm dấy lên nghi ngại từ một số chuyên gia Mỹ về việc liệu Seoul có nghiêng quá nhiều về phía Bắc Kinh? Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã bác bỏ mối quan ngại này và bày tỏ sự tin tưởng vào liên minh với Seoul.

"Chắc chắn, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi và là một láng giềng lớn mạnh, nhưng Hoa Kỳ mới là đồng minh quân sự chính của chúng tôi với tầm quan trọng không gì so sánh được", Kim Hyun-Wook - một giáo sư tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc ở Seoul cho biết.

Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel nói rằng, Hoa Kỳ từ lâu đã ủng hộ việc cải thiện mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh, và nay, điều quan trọng hơn cả là Hàn Quốc và Trung Quốc cần có một mối quan hệ mạnh mẽ và tiến hành đối thoại vì các lý do kinh tế và chiến lược.

Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert, người cũng có mặt tại cuộc họp báo, cho biết ông tin rằng một trong những mục tiêu chính trong hội nghị thượng đỉnh ngày mai là tăng cường hơn nữa mối quan hệ cá nhân vốn đã tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo.

Vị phái viên này cũng cho rằng, một mục tiêu quan trọng khác của hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là "thiết lập định hướng chiến lược cho mối quan hệ giữa 2 nước trong 5 hay 10 năm tới."

Tuy nhiên, ông Lippert nhận định, sẽ "rất khó" để hai nhà lãnh đạo thảo luận về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ.

Mỹ muốn triển khai THAAD (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) ở Hàn Quốc, nơi đang có 28.500 lính Mỹ đồn trú, để bảo vệ tốt hơn chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ các tên lửa đạn đạo và các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Nhưng vấn đề này trở thành một trong những vấn đề nhạy cảm đối với Hàn Quốc do Trung Quốc coi tiềm năng triển khai THAAD như một mối đe dọa đến lợi ích an ninh của mình và đã gia tăng áp lực đối với Seoul để nước này từ chối việc triển khai của Mỹ.

Đến nay, Seoul và Washington chưa bao giờ tổ chức cuộc hội đàm chính thức nào về vấn đề này.

Bảo Nghi (lược dịch từ Koreaherald & AFP)