RMNĐ sẽ hình thành dưới tán rừng thông cảnh quan hiện tại |
Săn tìm nguồn giống
Dự án Rừng mưa nhiệt đới (RMNĐ) là một trong những hạng mục khởi đầu nằm trong đồ án xây dựng Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Thừa Thiên Huế.
Để không làm chậm trễ tiến độ, thời gian này, Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Tiền Phong (LN Tiền Phong) phối hợp với các nhà nghiên cứu bắt đầu triển khai một số bước tìm kiếm, thu mua, sưu tập cây giống, đáp ứng số lượng khoảng 38.560 cây thuộc 48 loài đã được lên kế hoạch trồng. Ông Tống Phước Bình, cán bộ Phòng Kế hoạch- Kỹ thuật, LN Tiền Phong cho biết, giống cây phục vụ RMNĐ không phải giống sản xuất đại trà tại địa phương mà phải lấy từ rừng tự nhiên trong và ngoài tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, để sưu tập được nhiều giống cây bản địa đặc hữu, quý hiếm, đặc trưng của khu hệ rừng mưa nhiệt đới không phải chuyện dễ dàng. Đến nay, đơn vị đã sưu tầm được hơn 20 loài. Số còn lại, sẽ tiếp tục hợp đồng, đặt mua những hộ dân ở Nam Đông, A Lưới, Bạch Mã hay vùng ngoại tỉnh, vào rừng tìm kiếm, thu hái để đưa về nuôi dưỡng tại vườn ươm đến khi đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Ông Bình lạc quan, khả năng nhiều loài cây trong danh sách trồng rừng sẽ được tìm thấy, có khoảng 10 loài có xuất xứ ở khu vực Tây Nguyên nên vẫn đang được tiếp tục săn tìm.
Cuối năm 2015, quanh khu vực hồ Châu Chữ sẽ có một vườn tre, trúc đặc trưng. Ảnh: LNTP |
Theo đơn vị thực hiện dự án, dự kiến kế hoạch trồng bắt đầu từ năm 2016 cho đến năm 2018. Sở dĩ thời gian kéo dài như vậy là do không chủ động được nguồn giống. Mặt khác, tiêu chuẩn cây đưa vào trồng phải trên 2 năm tuổi trở lên với chiều cao từ 80 cm đối với cây chậm phát triển, với đường kính rễ là 0,8 cm và chiều cao 120 cm trở lên đối với cây phát triển trung bình, với đường kính của rễ là 1,2 cm. Chính những tiêu chuẩn khá ngặt nghèo này đòi hỏi phải chờ thời gian từ khi gieo hạt cho đến khi cây giống đạt đúng yêu cầu; đồng thời thực hiện một số yếu tố giải pháp kỹ thuật kèm theo, như tăng kích thước hố, đổ thêm đất mùn để khắc phục tính chất đất xấu tại vùng dự án.
Diện tích quy hoạch để trồng RMNĐ là 67,06 ha, nằm ở tiểu khu 91 thuộc phường An Tây-T.P Huế (48,95 ha) và tiểu khu 154 thuộc xã Thủy Bằng- thị xã Hương Thủy (18,11 ha). Đây hoàn toàn thuộc đất rừng công ty đang quản lý, chủ yếu rừng thông và khoảng 0,3 ha cây bản địa như sao, dầu rái..., nên không ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, dân sinh... Trên cơ sở điều tra, nghiên cứu phân bố thích nghi các cây rừng của Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Trung Trung bộ, dự án sẽ phân khu xây dựng trồng theo 4 ưu hợp. Mỗi ưu hợp có khoảng 16 đến 18 loài, trong đó có 1 hoặc 2 loài chiếm ưu thế, như ưu hợp gụ- huỷnh (15,63ha), ưu hợp kiền kiền (23,2 ha), ưu hợp táu (18,23 ha), ưu hợp cẩm liên (10ha). Theo tiến độ triển khai, giai đoạn năm 2016 - 2017 sẽ trồng 3 ưu hợp: gụ- huỷnh, kiền kiền, tấu và năm 2018 trồng ưu hợp cẩm liên.
Trong lúc chờ săn tìm, sưu tầm và nuôi dưỡng đủ số lượng giống cây phục vụ trồng RMNĐ, cuối năm 2015 này, LN Tiền Phong đưa vào trồng một số loài tre, trúc với diện tích khoảng 1,3 ha quanh khu vực hồ Châu Chữ. Lý do chọn loài cây này vì đây là biểu tượng của làng quê Việt Nam, tạo nên cảnh quan văn hóa đặc trưng cho RMNĐ và sẽ là điểm nhấn trong hệ thống Bảo tàng Duyên hải miền Trung sau khi hoàn thiện.
“Phòng thí nghiệm” tự nhiên thu nhỏ
Có thể sau 10 năm nữa, một khu rừng mưa nhiệt đới khép tán nhiều tầng, nhiều lớp sẽ thay thế rừng thông, thu hút chim thú bay về và sẽ tạo thành một RMNĐ đặc trưng, có một không hai nằm ngay trong lòng thành phố. Nơi đây không chỉ lưu giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen các loài thực vật đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái RMNĐ của các tỉnh duyên hải miền Trung, mà sẽ là một “phòng thí nghiệm” tự nhiên thu nhỏ phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo. Sâu xa hơn nữa, dự án kỳ vọng sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, tác động tích cực cho các khu di tích, văn hóa, du lịch tâm linh lân cận như Huyền Trân Công chúa, Chín Hầm, Học viện Phật giáo tại Huế, Tượng đài Quán Thế Âm... trở thành điểm lựa chọn của du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo nên thế mạnh riêng để phát triển du lịch dịch vụ của địa phương.
|
Khu RMNĐ sẽ cung cấp một sản phẩm độc đáo quan trọng, bổ trợ cho sự hình thành Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung. Nơi đây được xem như một mô hình mô phỏng khu rừng tự nhiên thu nhỏ, hội tụ nhiều nguồn gen thực vật quý hiếm của hệ rừng mưa nhiệt đới nằm trong dãy Trường Sơn dọc theo các tỉnh duyên hải miền Trung và sẽ là “bến đậu” cho nhiều loài muông thú về đây sinh sống.
Tuy nhiên, trong quá trình khởi động dự án, đơn vị thực hiện vẫn còn một số băn khoăn. Ông Tống Phước Bình phân tích, tính chất đất rừng triển khai và tiểu khí hậu tại những vị trí được chọn không như rừng tự nhiên và được trồng trong vùng đất rừng thông có độ chua, nóng, nên chắc chắn cây trồng sẽ phát triển chậm. Mặt khác, tuy dự án xây dựng kế hoạch trồng 48 loài đặc hữu, nhưng theo đánh giá giới chuyên môn, số loài này vẫn chưa nhiều đối với một khu rừng mưa nhiệt đới. Do đó, trong quá trình trồng, có thể có một số loài khác tự tái sinh và quan điểm của đơn vị là vẫn bảo tồn, giữ lại những cây tái sinh để tạo thêm, làm đa dạng hóa các loài chứ không chỉ dừng lại ở 48 loài như dự định. Một băn khoăn nữa mà LN Tiền Phong đưa ra, đó là do chưa được nghiên cứu cụ thể động thái rừng bên trong, nên việc các loài có thể cộng sinh hoặc bài trừ nhau hay không vẫn chưa nói trước được và việc lựa chọn giống loài, phân khu ưu hợp để trồng hoàn toàn hợp lý hay chưa vẫn chưa thể khẳng định. Vì thế, nếu trường hợp bài trừ thì sẽ trồng bổ sung, thay thế giữa các loài cho hợp lý. Để chủ động nguồn giống ứng phó tình huống trên và đề phòng nguy cơ cháy rừng vì trồng trong rừng thông, công ty sẽ mua số cây dôi dư thêm 20%- 30% so với 38.560 cây dự kiến.
Liệu đến lúc RMNĐ thành rừng, diện tích rừng thông cảnh quan sẽ đi về đâu? Ông Bình lý giải, đây chẳng qua giống như việc lấy rừng đổi rừng mà chỉ mang tính có lợi. Đặc điểm của rừng cây nhiệt đới (bản địa) phải trồng ở vùng có tán rừng, nên trong thời gian đầu, rừng thông vẫn được giữ nguyên và chỉ phát tỉa cây bụi. Sau một thời gian cây lớn, khép tán, nơi nào cần mở tán rừng thì mới tiến hành tỉa thưa cây thông theo đúng quy hoạch, thiết kế và giám sát của cơ quan chức năng chứ không phải bài bỏ ngay trong thời gian ngắn, nên sẽ không làm ảnh hưởng môi trường cảnh quan rừng thông. Kế hoạch, đến năm 2022, đúng độ rừng cây nhiệt đới khép tán, công ty sẽ bàn giao cho Bảo tàng Duyên hải miền Trung chăm sóc quản lý.