Cuộc đua của 5 quốc gia giành các ghế không thường trực lần này không mấy khó khăn khi không có sự cạnh tranh. Tuy nhiên, mỗi nước vẫn cần có được sự ủng hộ của đa số 2/3 các nước thành viên trong Đại hội đồng LHQ. Cả 5 nước đều vượt xa con số bắt buộc và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ, trong đó Senegal giành được sự ủng hộ lớn nhất với 187 phiếu thuận, tiếp theo là Uruguay với 185 phiếu. Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3 với 184 phiếu ủng hộ, Ai Cập giành được 179 phiếu và 177 phiếu thuộc về Ukraine.

Một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP.

Theo nhận định của nhà phân tích Richard Gowan thuộc Đại học Columbia, sự hiện diện của Ai Cập trong Hội đồng gồm 15 thành viên có thể gây xáo trộn những liên minh truyền thống. "Vị trí của Ai Cập trong hội đồng sẽ rất thú vị, vì họ vốn là một đồng minh truyền thống của Mỹ, nhưng gần đây, mối quan hệ giữa Washington và Cairo đã nguội lạnh, trong khi Chính phủ của cựu Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi cho thấy các dấu hiệu của sự nóng lên hướng về phía Moscow". 
Ông nói thêm rằng đối với Ai Cập, cuộc khủng hoảng đáng quan tâm nhất là Libya và vấn đề liệu một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc có thể cần được đưa tới đó hay không.


Sự tương tác trong Hội đồng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc Ukraine được bầu vào ghế Đông Âu trong bối cảnh nước này đang có xung đột với một thành viên thường trực của Hội đồng là Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin nói với các nhà báo hồi đầu tuần này rằng, mối quan hệ của 2 nước "chắc chắn sẽ không dễ chịu", nhưng Ukraine sẽ đi theo một "chương trình nghị sự toàn diện và toàn cầu", bao gồm nhiều vấn đề trong Hội đồng.

Giữ ghế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ tham gia Hội đồng sắp tới bằng nhiệm kỳ thứ 11, sau lần gần đây nhất là năm 2009-2010. Theo Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc Motohide Yoshikawa, Nhật Bản có kế hoạch tham gia nhiều hơn trong hoạt động gìn giữ hòa bình. "Trọng tâm của chúng tôi cũng là làm thế nào để nâng cao năng lực của binh sĩ gìn giữ hòa bình, đặc biệt là ở châu Phi." Ông lưu ý rằng Nhật Bản vẫn đang làm việc với Liên Hiệp Quốc kể từ năm ngoái để thiết lập một cơ sở huấn luyện cho binh sĩ gìn giữ hòa bình ở Kenya và hy vọng cơ sở này sẽ hoạt động đầy đủ đến trước năm 2016.



Trong khi đó, Senegal và Uruguay đều là những nước đóng góp binh sĩ và cảnh sát nhiều nhất cho những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nhưng các nhà phân tích đều nhất trí cho rằng, 2 nước này không có khả năng gây tác động lớn đến hoạt động của Hội đồng.

Bảo Nghi (lược dịch từ Reuters & AFP)