Học múa ở Trường trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế

Gắn bó keo sơn

Trong khuôn khổ giao lưu truyền thống các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Thừa Thiên Huế - TP Hồ Chí Minh lần thứ IX diễn ra tại Huế, chiều 14/10, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Hội, Trường trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế và Trường cao đẳng VHNT TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học "Thực trạng và các giải pháp đào tạo VHNT thời kỳ hội nhập và phát triển".

Những vấn đề như: chú trọng đào tạo ngoại ngữ trong thời hội nhập quốc tế; đổi mới quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi đào tạo theo tín chỉ; gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; ứng dụng tốt hơn những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong giảng dạy và học tập; nâng cấp cơ sở vật chất... là những đề xuất, kinh nghiệm được đại diện các trường tham dự trao đổi, chia sẻ.

Trong suốt chiều dài phát triển của dân tộc, Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh luôn có mối quan hệ và gắn bó đặc biệt. Kế thừa và phát triển tinh thần đó, năm 1999, Trường trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Trường cao đẳng VHNT TP. Hồ Chí Minh tổ chức kết nghĩa giao lưu với tình cảm đặc biệt và ý nghĩa chính trị sâu sắc. Qua 8 lần tổ chức, chương trình giao lưu này đã mở rộng chào đón nhiều trường VHNT của các vùng miền trong cả nước cùng hội ngộ, để rồi càng thêm gắn bó bởi tình cảm sâu nặng và sự hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện sứ mệnh đào tạo VHNT.
Hoạt động giao lưu kết nghĩa là cơ hội để các trường trao đổi kinh nghiệm về định hướng phát triển, tuyển sinh, tiếp cận với các chuyên ngành đào tạo mới, nâng cao chất lượng đào tạo, kiểm định chất lượng giáo dục... Ông Hoàng Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế cho hay: “Qua những lần tổ chức, các trường ngày càng tiến đến bàn thảo những vấn đề học thuật của sự nghiệp đào tạo VHNT – một lĩnh vực đào tạo tinh hoa và là nơi cung cấp nguồn nhân lực hoạt động trên các lĩnh vực thuộc mặt trận tư tưởng VH và NT. Đây cũng là dịp để các trường VHNT địa phương học tập, hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát triển chất lượng đào tạo”.
Các trường còn phối hợp trong công tác liên kết đào tạo, như: Trường trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế và Trường cao đẳng VHNT TP. Hồ Chí Minh đã liên kết đào tạo ngành văn hóa du lịch hệ cao đẳng cho Thừa Thiên Huế và một số tỉnh miền Trung. Sắp tới, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội sẽ đào tạo hệ cao đẳng chuyên ngành âm nhạc Tây phương (nhạc nhẹ) cho Thừa Thiên Huế... Công tác đào tạo các chuyên ngành VHNT góp phần đắc lực trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống cũng như tạo nguồn tài năng, nâng cao, chuẩn hóa, bổ sung đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực VHNT của địa phương.
Tháo gỡ khó khăn

Học sinh, sinh viên Trường trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế trong một chương trình biểu diễn

 
Trong khuôn khổ chương trình giao lưu lần này, đại diện 14 trường VHNT trên toàn quốc cùng bàn thảo những vấn đề “nóng” đang đặt ra đối với sự nghiệp đào tạo VHNT. Ông Hoàng Thanh Sơn cho rằng, trước những tác động của cơ chế thị trường và yêu cầu, đòi hỏi trong thời kỳ mới, sự nghiệp đào tạo VHNT đang đứng trước những khó khăn lớn, nhất là trong công tác tuyển sinh. Thí sinh dự thi vào các ngành nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống ngày càng giảm. Thậm chí có chuyên ngành liên tục tuyển sinh trong gần 10 năm nhưng không có một hồ sơ dự tuyển nào.
Để từng bước khắc phục khó khăn, phải tập trung ưu tiên hàng đầu cho vấn đề trọng yếu nhất là duy trì số lượng học sinh, sinh viên theo quy định. Những trường đang ở bậc trung cấp cần phải được nâng lên bậc cao đẳng chuyên ngành trong thời gian sớm nhất có thể. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo VHNT từ Trung ương tới địa phương, từng bước xóa bỏ khoảng cách về chất lượng đào tạo giữa các khu vực, tập trung liên kết đào tạo theo hướng đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực.
Bà Trịnh Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Bình Định đặt vấn đề: “Học sinh tuổi càng nhỏ thì học nghệ thuật sẽ càng tốt. Tuy nhiên, các trường VHNT chỉ được phép tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS trở lên. Theo tôi, nên cho phép các trường trung cấp VHNT tuyển sinh đầu vào từ bậc tiểu học trở lên”. Mặt khác, cần tuyên truyền rộng rãi về định hướng lựa chọn ngành nghề để khắc phục tâm lý “bằng cấp” của các bậc phụ huynh, học sinh; chú trọng công tác hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT để phân luồng học sinh một cách hiệu quả.
Để thu hút người học, chất lượng đào tạo cần được đưa lên hàng đầu. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng rất cần thiết trong quá trình đào tạo. Sinh viên cần có không gian để sáng tạo, thực hành nghề nghiệp, vì vậy, cần đầu tư xây dựng các phòng thực hành, sân khấu...
Bà Lê Thị Xuân Giang, Trường trung cấp VHNT Phú Thọ đề nghị, các trường VHNT cũng cần chú trọng giới thiệu việc làm thông qua việc liên kết đồng bộ với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu việc làm, tư vấn và giới thiệu cho học sinh, sinh viên. Hiện nay, một số trường đã ký hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài thị trường, đảm bảo đầu ra đối với một số chuyên ngành đào tạo. Từ đó có những điều chỉnh trong định hướng đào tạo gắn với nhu cầu việc làm, các tiêu chuẩn công việc do thị trường lao động yêu cầu.
Bài, ảnh: Trang Hiền