Riêng trên địa bàn tỉnh, đến 31/7/2015, số nợ BHXH của các doanh nghiệp là 91,5 tỷ đồng và đến 30/9 vừa qua, số nợ BHXH từ 02 tháng trở lên đã ở con số gần 130 tỷ đồng.

Đã có nhiều lý giải về nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng như những ảnh hưởng đến chính thương hiệu của doanh nghiệp, cơ quan không chịu hoặc chưa đóng BHXH trong việc xây dựng lòng tin đối với người lao động, đối với quản lý Nhà nước và nhất là đối tác làm ăn. Tuy nhiên, số nợ vẫn không được giải quyết dứt điểm, thậm chí còn tăng lên đã cho thấy các doanh nghiệp vẫn “bình chân như vại” trước các vấn đề an sinh đối với người lao động và đối với xã hội.

Nhưng thực tế cho thấy rằng, đã bắt đầu một sự thay đổi và buộc phải thay đổi đối với các vấn đề thuộc về lao động – trong đó có BHXH - khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Đứng trong sân chơi này, các quyền và nghĩa vụ cũng như các yêu cầu khác về lao động phải được thực thi nghiêm túc. Đi kèm theo sẽ là những biện pháp trừng phạt khi không đảm bảo thực thi và được thực thi. Điều này cũng sẽ được thực hiện trên diện rộng, ở mỗi nước trong TPP và trong các nước của TPP. Thế nên, dẫu chỉ là một khía cạnh nhưng vấn đề nợ BHXH như cách nó đang tồn tại sẽ không là chuyện có thể đùa được nữa.

Nguyễn An Lê