Công nhân ở công ty khai thác đá (ảnh minh họa)

Theo dõi tình hình nợ BHXH trên cả nước, ngẫm lại thấy tỉnh ta số tiền nợ cũng không phải là ít. Tính đến 30/9, số doanh nghiệp nợ BHXH từ 2 tháng trở lên lên đến gần 130 tỷ đồng. Doanh nghiệp cứ chây ỳ, nhất là công ty cổ phần, lao động làm căng quá thì đòi cho thôi việc. Chuyện nợ BHXH của các doanh nghiệp khiến người lao động không an tâm khi làm việc. Họ thấp thỏm, lo lắng liệu không biết quyền lợi của mình có được bảo đảm? 

Chuyện đòi nợ BHXH cũng lắm nhiêu khê. Ngay cả khi các ngành chức năng đăng ký làm việc, chưa chắc doanh nghiệp đã tiếp. Doanh nghiệp thay tên, đổi địa điểm, đoàn kiểm tra đến nơi thì “vườn không, nhà trống” dẫu đã có công văn, điện thoại hẹn ngày giờ cụ thể. Có nhiều DN tình hình tài chính khó khăn, nhưng cũng có không ít DN cố tình tránh mặt mỗi khi cán bộ chức năng đến tìm hiểu về vấn đề nợ đọng BHXH.  Việc lập hồ sơ khởi kiện của cơ quan BHXH thường gặp khó khăn do các đơn vị nợ, không chịu ký vào biên bản đối chiếu, xác định công nợ.

Khi toà án tổ chức hoà giải và xét xử, doanh nghiệp lại thường không đến theo yêu cầu, nên kết quả hoà giải thành công chiếm tỉ lệ không đáng kể. Trong quá trình khởi kiện, do doanh nghiệp cố tình trì hoãn khiến thủ tục khởi kiện, thụ lý kéo dài làm cho số nợ tăng lên, hoặc doanh nghiệp tìm cách tẩu tán tài sản dẫn đến khả năng trả nợ ngày càng thấp. Thực tế, một số đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện đã phá sản hoặc ngừng hoạt động do sản xuất kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ. Những trường hợp này rất khó để cơ quan BHXH có thể thu hồi được nợ, kể cả khi đã có quyết định thi hành án. 

Theo ông Trần Văn Trung, Chánh thanh tra Sở Lao động TB&XH, khi các đơn vị nợ BHXH, các ngành liên quan sẽ lập biên bản, thanh tra mới ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, số doanh nghiệp bị lập biên bản cũng rất ít . Có đợt, ngành chức năng làm căng với 7 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn thì chỉ có 1 doanh nghiệp đồng ý trả nợ. Tuy nhiên, thủ tục cưỡng chế để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng khá rắc rối khi phải mời đủ các ban ngành tham dự. Khi chúng tôi làm việc với các ngân hàng về số dư của doanh nghiệp để có phương án giải quyết thì các ngân hàng đều từ chối không cung cấp.

Thông tin BHXH đăng danh sách các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng được người lao động quan tâm. Ít ra, họ cũng biết tình hình đóng BHXH của đơn vị, liệu có nợ BHXH không? Nợ ở mức độ nào? Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết bài toán nợ đọng BHXH ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các ngành chức năng cần phải “mạnh tay” trong thực hiện các biện pháp chế tài, nâng cao tính răn đe và ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Huế Thu