Kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng đất đai để quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng |
Độ chính xác cao
Cứ 5 năm 1 lần, cả nước triển khai công tác kiểm kê đất đất đai, lập bản đồ địa chính nhằm đánh giá tình hình quản lý đất đai và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các cấp, nhất là việc lập, điều chỉnh, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đối với Thừa Thiên Huế, kiểm kê đất đai năm 2014 được thực hiện ở tất cả 152 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố và được kiểm kê về số lượng (diện tích) đến từng loại đất, từng vị trí theo các nhóm đối tượng sử dụng, đối tượng quản lý trong đơn vị hành chính của tỉnh.
Trước khi triển khai thực hiện, quan điểm của tỉnh và ngành xác định rõ, chất lượng số liệu cấp xã quyết định chất lượng số liệu kiểm kê đất đai ở cấp huyện và tỉnh. Số liệu phục vụ cho công tác kiểm kê của cấp xã được thu thập từ nguồn hồ sơ địa chính và các tài liệu về đất đai có liên quan, được điều tra khoanh vẽ chỉnh lý ngoài thực địa, nên số liệu đảm bảo phù hợp với hiện trạng sử dụng đất. Việc kiểm kê được thực hiện trên cơ sở áp dụng các thành tựu mới của công nghệ vào điều tra, khoanh vẽ các loại đất ở thực địa để xây dựng bản đồ kết quả điều tra kiểm kê trên cơ sở kế thừa bản đồ địa chính, hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, kết quả rà soát quy hoạch ba loại rừng đã được phê duyệt, kết quả kiểm kê đất đai năm 2010, kết quả thống kê hàng năm... Ngoài ra, bộ số liệu kiểm kê đất đai của cấp xã, phường được tự động nhập liệu từ bản đồ kết quả điều tra khoanh vẽ vào phần mềm kiểm kê đất đai do Bộ tài nguyên và Môi trường phát hành nên bộ số liệu có độ chính xác cao.
Đo đạc, kiểm kê đất tại thực địa |
Kết quả kiểm kê đất đai năm 2014 của tỉnh được thể hiện trên hệ thống biểu số liệu, bản đồ kết quả điều tra khoanh vẽ kiểm kê và bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở dạng giấy và dạng số theo địa bàn từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh. Theo ông Lê Văn Đức, Phó Chi cục Quản lý Đất đai, đây là bộ hồ sơ có giá trị lớn, là tài liệu, số liệu của mỗi đơn vị hành chính, thể hiện đúng hiện trạng đất đai và làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và sử dụng tài nguyên đất đai có hiệu quả ở các cấp. Qua kiểm kê đất đai kỳ này đã phân tích, đánh giá đúng hiện trạng sử dụng, quản lý đất, thành lập được bộ hồ sơ về số liệu đất đai có chất lượng và độ tin cậy tốt nhất từ trước tới nay.
Những kết quả thu được từ việc kiểm kê là cơ sở để nắm chắc và quản lý chặt chẽ quỹ đất của địa phương, sử dụng đất có hiệu quả và làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Sử dụng đúng hiện trạng, hợp lý
Theo kết quả kiểm kê đất đai kỳ này, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 502.629,57 ha, giảm 690,97 ha so với kỳ kiểm kê năm 2010. Biến động về diện tích tự nhiên của tỉnh không phải do thay đổi về địa giới hành chính, chủ yếu do công tác tính toán trong quá trình kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng giữa 2 kỳ kiểm kê. Việc kiểm kê đất đai kỳ này đã có nhiều sự thay đổi, đó là công tác tổ chức thực hiện chặt chẽ hơn; số liệu kiểm kê thống nhất với bản đồ điều tra khoanh vẽ và đúng với thực tế quản lý sử dụng đất; diện tích tự nhiên của các xã, phường, thị trấn được xác định trên bản đồ điều tra khoanh vẽ, tiếp biên với các đơn vị hành chính lân cận và việc tính toán thực hiện theo phần mềm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, diện tích tự nhiên toàn tỉnh có sai khác so với kỳ kiểm kê trước.
Tính từ kỳ kiểm kê đất đai năm 2010 đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hơn 24.288 ha, hiện chiếm 82,02% tổng diện tích toàn tỉnh. Diện tích đất phi nông nghiệp theo số liệu kiểm kê hiện chiếm 16,51%, tăng 133,06 ha so với năm 2010. Diện tích đất chưa sử dụng giảm hơn 25.112 ha so với năm 2010. Nguyên nhân giảm mạnh do được khai thác đưa vào sử dụng với các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp.
Bên cạnh việc chu chuyển một số loại đất theo đúng hoặc vượt chỉ tiêu quy hoạch như đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng, vẫn có một số loại đất thực hiện chưa đạt so với mục tiêu quy hoạch, như đất xây dựng khu công nghiệp (đạt 15,2%), đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (đạt 55%), đất xây dựng công trình sự nghiệp (đạt 94%), đất xây dựng trụ sở cơ quan (đạt 31%). Qua kiểm kê đất đai kỳ này cũng đã đánh giá được tình hình thực tế hiện trạng quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với hầu hết đều lập các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số nhà đầu tư yếu kém năng lực chậm triển khai hoặc không triển khai một số dự án. Cụ thể, có 251 trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa thực hiện. Ngoài ra, qua kiểm kê, có 2.100 trường hợp hiện trạng sử dụng đất không đúng với hồ sơ địa chính.
Trên cơ sở kết quả kiểm kê đất đai vừa qua, căn cứ vào chỉ tiêu phân khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quan điểm sử dụng đất của tỉnh trong thời gian tới là khai thác và sử dụng quỹ đất tiết kiệm, có hiệu quả. Để số liệu của kỳ quy hoạch, kế hoạch giai đoạn 2015-2020 chính xác, trên nền số liệu hiện trạng sử dụng đất của kỳ kiểm kê này sẽ là cơ sở để các cấp, các ngành điều chỉnh lại quy hoạch đã lập trước đây.