Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu. Ảnh: Võ Nhân

Đồng chí Lê Trường Lưu cho biết: Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng; thiên nhiên trù phú, cảnh quan hữu tình đã tạo cho Huế một bản sắc văn hóa rất khác biệt. Thừa Thiên Huế luôn tự hào, quyết tâm lưu giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nhân loại; giữ vững danh hiệu “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”.

Mục tiêu tổng quát phát triển Thừa Thiên Huế thời kỳ 2016-2020 xác định: “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”… Đồng chí có thể cho biết cơ sở để chúng ta xác định mục tiêu trên và mục tiêu này có gì khác biệt so với các địa phương khác?

Khác biệt so với các địa phương khác chính là, bên cạnh lợi thế so sánh của trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, Thừa Thiên Huế còn là trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học – công nghệ của miền Trung và cả nước. Chúng ta tự hào có Đại học Huế với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, ngày càng khẳng định vị thế của một đại học vùng, một địa chỉ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Bệnh viện Trung ương Huế - Bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam có lịch sử phát triển hơn 120 năm, được Chính phủ xếp hạng đặc biệt; Trường đại học Y Dược Huế với lịch sử phát triển trên 55 năm, là 2 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cùng với các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu và mạng lưới y tế trong tỉnh phát triển ngày càng đồng bộ, hiện đại.

 

“Nổi bật, kinh tế được duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá (bình quân đạt trên 9%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. So với đầu nhiệm kỳ, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2 lần (đạt 2.000 USD); thu ngân sách Nhà nước tăng 1,6 lần, đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng...”
Với những lợi thế và tiềm năng to lớn đó, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân trong tỉnh một lòng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận 48-KL/TW và Thông báo Kết luận số 175-TB/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn mục tiêu “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực…”.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mới là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhưng thực tế quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh không cao. Vậy, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung vào những đột phá nào, thưa đồng chí?

Đúng là quy mô nền kinh tế của tỉnh hiện nay vẫn còn nhỏ; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao. Môi trường kinh doanh và đầu tư chưa thực sự hấp dẫn; chưa tạo được sự đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn. Nhu cầu đầu tư cho phát triển nhưng nguồn lực còn hạn hẹp; nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh lân cận là hiện hữu, nếu không có đột phá trong phát triển thời gian tới. Do vậy, một trong những giải pháp đột phá mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh lựa chọn trong nhiệm kỳ tới là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Xây dựng Thừa Thiên Huế có môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, bình đẳng để cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển.

Điểm nhấn xác định là, đầu tư phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trở thành đô thị động lực để kết nối đô thị Huế - Lăng Cô – Đà Nẵng, trở thành cực tăng trưởng về phát triển công nghiệp và du lịch. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư; có chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với các nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực, các dự án lớn làm đòn bẩy, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường sự hợp tác, liên kết với các tỉnh khu vực miền Trung, cả nước và quốc tế, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để cùng phát triển.

Muốn vậy, Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng những giải pháp hữu hiệu để tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của trung tâm văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục – đào tạo và y tế chuyên sâu. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và văn hóa Huế, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá, lịch sử. Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức; phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ sẽ được Đảng bộ tỉnh đặt ra và quan tâm cụ thể trên khía cạnh nào ở nhiệm kỳ tới, thưa đồng chí?

Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh sẽ chú trọng chỉ đạo để đổi mới mạnh mẽ phong cách, lề lối làm việc ở các cấp ủy Đảng, các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ tỉnh đến cơ sở theo hướng khoa học, dân chủ, gần dân, sâu sát thực tế, nói đi đôi với làm; phát huy vai trò phản biện xã hội, có sự giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và xây dựng văn hóa trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với việc phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, đổi mới cách nghĩ, cách làm và khắc phục đáng kể những hạn chế, tồn tại trong công tác cán bộ; bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tạo bước chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược cán bộ giai đoạn mới.

Tôi muốn nói thêm rằng, những hạn chế như tổ chức, cán bộ chưa ngang tầm; năng lực còn hạn chế; cơ cấu chưa hợp lý; tình trạng “trắng” tổ chức Đảng, đảng viên vẫn còn; UBKT các cấp còn lúng túng trong công việc; nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đôn đốc kịp thời… là những nguyên nhân, tồn tại, nhưng cũng là bài học kinh nghiệm để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh khắc phục trong thời gian tới. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng Đảng bộ tỉnh “Trong sạch, vững mạnh”; tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Trân trọng cám ơn đồng chí!

Anh Phong (thực hiện)