Thống kê dẫn nguồn từ Sở Tài Nguyên và Môi trường của bài báo này cho thấy, 80% lượng chất thải nguy hại phát thải từ hoạt động công nghiệp với con số vào khoảng 9 tấn/ngày và năm 2020 ước tính khoảng 21 tấn/ngày. Điều đáng quan tâm ở chỗ, hiện năng lực thu gom, xử lý chất thải nguy hại trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế và sinh hoạt còn hạn chế; ý thức chấp hành của nhiều cơ sở phát thải chưa cao nên tỷ lệ lượng chất thải được thu gom, xử lý còn thấp.

Mặc dù được xác định nằm trong 20% lượng chất thải nguy hại ngoài chất thải công nghiệp, nhưng năm 2015, khối lượng chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 1,56 tấn/ngày và con số này trong năm 2020 ước tính vào khoảng 1,71 tấn/ngày. Vấn đề ở chỗ, việc xử lý rác thải nguy hại từ hoạt động y tế cho đến nay vẫn là vấn đề chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Hiện tại, 184 cơ sở y tế đa phần hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Huế về thu gom (hiện công ty này có hai lò đốt ở bãi chôn lấp Thủy Phương; một khu chôn lấp ở bãi xử lý chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh Lộc Thủy); ngoài ra còn có một lò đốt chất thải y tế nguy hại tại Phú Sơn (Hương Thủy) nhưng năng lực xử lý vẫn còn thấp so với nhu cầu. Riêng các chất thải khí, chất thải lỏng thì chủ yếu do các cơ sở y tế tự xử lý và vấn đề đạt chuẩn đến đâu thì chưa ai có thể trả lời được. Đây cũng là điều khó kiểm soát, dễ phát sinh các nguy cơ nhất.
Báo cáo tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh vừa qua, đại diện Sở Y tế cho biết, nguồn đầu tư hệ thống xử lý chất thải cho một cơ sở y tế rất lớn và một công trình có hệ thống này cần 15 tỷ đồng trở lên, nên đây vẫn đang là điều nan giải. Cũng vì không đảm bảo được điều này, Bệnh viện TP Huế và Bệnh viện Y học cổ truyền đã phải chịu phạt 15 triệu đồng khi Công an môi trường kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, hiện tại thì tình hình này vẫn chưa được cải thiện gì thêm, nhất là trong khi hai đơn vị này đang chờ các dự án công trình mới. Trả lời câu hỏi phải chấp nhận thực tế thiếu hệ thống xử lý chất thải ở các cơ sở y tế cũ, hoặc cơ sở chuyển đổi sang phục vụ nhiệm vụ y tế, nhưng vì sao các công trình y tế mới, chẳng hạn như các bệnh viện phong – da liễu, lao – bệnh phổi... lại không có hệ thống này, theo Sở Y tế thì trong thiết kế đều có công trình xử lý, nhưng do chưa có nguồn nên phải ưu tiên cho chữa bệnh trước.
Xét theo yêu cầu thực tiễn thì đây là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cũng đã đến lúc phải có sự thay đổi và chuyển hướng trong công tác thu gom, xử lý chất thải y tế nói chung và chất thải y tế nguy hại nói riêng. Trong đó, hệ thống vận hành phải là yêu cầu bắt buộc phải có khi đưa các cơ sở y tế vào hoạt động, nếu không, các loại bệnh cơ hội và những hệ lụy khác sẽ có cơ hội phát sinh và đến lúc ấy, sẽ khó mà kiểm soát được.
Nguyễn An Lê